Tiêm 3 mũi vắc xin, đã khỏi Covid-19 vẫn tái nhiễm SARS-CoV-2?
Chị Vũ Thanh (36 tuổi, trú tại Tân Bình, TP.HCM) cho biết vừa mắc Covid-19 đầu tháng 2 thì đến nay lại dương tính lần nữa.
Chị Thanh kể, mùng 5/2 chị từ miền Bắc vào TP.HCM và có triệu chứng đau họng, mất khứu giác. Chị đi test thì được chẩn đoán dương tính với Covid-19.
Sau đó, chị Thanh tự theo dõi cách ly tại nhà 7 ngày, test lại âm tính. Vì đã khỏi Covid-19 nên chị Thanh nghĩ rằng mình sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh lại nữa. Ngày 25/2, con gái chị Thanh đi học về kêu đau họng, rát họng và hôm sau bé sốt cao. Chị Thanh cho con test nhanh kết quả dương tính với Covid-19.
Chị Thanh chăm sóc con bị Covid-19 và vẫn đeo khẩu trang nhưng trong nhà có chị đã mắc nên chị nghĩ mình “bất tử”. Đến ngày 1/3, chị Thanh thấy đau rát họng, cảm giác rát cổ như có quả cầu gai ở cổ. Chị Thanh test nhanh vẫn âm tính nên nghĩ do cảm cúm.
Đến chiều 2/3, chị Thanh tiếp tục test lại lần nữa thì choáng vì lên hai vạch đỏ. Bác sĩ tư vấn cho gia đình chị Thanh cho rằng chị nhiễm Covid-19 lần hai và lần trước là biến chủng Delta lần này là biến chủng mới Omicron.
Ảnh minh hoạ. |
Khi biết mình tái nhiễm lần 2, chị Thanh không khỏi sốc nên lúc nào cũng hi vọng bệnh nhẹ nhàng. Lần một nhiễm Covid-19 chị Thanh chỉ mất khứu giác, vị giác, hơi đau mỏi xương khớp nhưng lần hai thì đau họng, rát họng nhiều hơn lần trước, không có triệu chứng của toàn thân.
Trường hợp của anh N.V.T, trước đó ngày 24 tháng 12, anh thấy người mệt mỏi, tức ngực và ho, sau đó sốt nhẹ. Bệnh viện lấy mẫu làm xét nghiệm, kết qủa Realtime – PCR có chỉ số CT = 18,7 tức là tải lượng virus đang rất cao. Ngay lập tức anh được chuyển đến bệnh viện Covid-19 để cách li bắt buộc. Đến ngày 3/1 kết quả PCR âm tính, ra khỏi bệnh viện cách li nhưng vì sợ lây nhiễm cho người khác nên anh đã tự nhốt mình tại nhà thêm hai tuần.
Đến ngày 27/2, anh T thấy mệt mỏi, đau họng, nghi ngờ nên đã vào hiệu thuốc mua test nhanh về thử. Kết quả hai vạch hiện lên rất đậm.
Lần này triệu chửng chỉ thấy người hơi gai gai, không sốt, hắt hơi và chảy nước mũi trong, không bị tức ngực, không đau người, ăn ngủ bình thường và vẫn tập được thể dục. Anh T. đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin.
Theo BS Thân Mạnh Hùng – Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi nhiễm Covid-19 rồi vẫn có thể nhiễm lại ở biến chủng mới. Vì vậy, dù bạn đã khỏi Covid-19 vẫn cần duy trì phòng bệnh bằng các biện pháp 5K. Nếu bạn đã khỏi bệnh chăm con, người thân là F0 vẫn cẩn trọng vì nguy cơ tái dương hiện hữu.
Biện pháp tốt nhất phòng tránh lây nhiễm là tuân thủ 5K của Bộ Y tế, với bệnh lây qua đường hô hấp thì nên khử khuẩn không khí và lau chùi bề mặt bằng cồn hoặc CloraminB.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Công cộng - Trường Đại học Y Dược TP.HCM tái nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra thậm chí bạn tiêm đủ 3 mũi vắc xin, mắc một lần thì vẫn tái nhiễm. Thông thường tái nhiễm là tái nhiễm chủng virus khác.
Hiện chủng virus Omicron đang lưu hành rộng rãi trong khi đó một số nghiên cứu cũng cho thấy khả năng tái nhiễm của Omicron. Nghiên cứu của Trường Imperial College London nhận định khả năng tái nhiễm của Omircon cao gấp 5 lần so với các biến thể khác. Cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu Nam Phi cũng nhận thấy tỉ lệ tái nhiễm trong làn sóng gây ra bởi Omicron cao hơn so với các đợt dịch trước đó.
Nhưng khi tái nhiễm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn lần trước. Nhiều số liệu cũng cho thấy tải lượng virus ở lần tái nhiễm sau thấp hơn lần đầu, vì thế mà bệnh nhân thường có triệu chứng nhẹ hơn.
Những người đã mắc các biến thể trước đó như Delta, Alpha và Beta đều có thể mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, đến nay các cảnh báo ghi nhận đều ở thể nhẹ, giống với cảm lạnh thông thường.
Vì vậy, PGS Dũng khuyến cáo người bệnh không nên quá hoang mang lo lắng, nếu bạn là F0 nhẹ và không triệu chứng thì chỉ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, nghỉ ngơi, súc họng hàng ngày là đủ. Bởi vì bệnh nhân Covid-19 trong 5 ngày đầu thường điều trị triệu chứng là chính.
Nếu có triệu chứng thì dùng các thuốc điều trị triệu chứng theo phác đồ. Người có bệnh nền, người cao tuổi nên sử dụng thuốc kháng virus theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khánh Chi
Mất ngủ trong và sau Covid-19, tôi phải làm sao?
Trong số những bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại bệnh viện Đức Giang, khá nhiều người mắc các triệu chứng lo lắng, stress, mất ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài từ lúc còn dương tính cho đến khi khỏi bệnh hơn 3 tuần...
Sau vài giờ phát hiện '2 vạch', người đàn ông ướt sũng, thay 3 lần quần áo trong đêm
'Người tôi ướt sũng, mồ hôi thấm qua áo quần, ngấm cả vào ga, gối. Phải thay quần áo đến 3 lần trong đêm. Người đã mệt mà cứ phải run rẩy để sấy cho khô đồ', anh L. cho biết.
Vì sao hậu Covid-19 lại đau lưng, đau gối kéo dài?
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị Covid-19 xong họ bị chứng đau lưng, đau cổ vai gáy kéo dài thậm chí có người phải đi trị liệu.
Gia tăng trẻ nhiễm Covid-19: Biến thể Omicron còn nhẹ hơn sốt siêu vi
Thời gian qua, các bệnh viện ghi nhận số trẻ nhiễm Covid-19 tăng đột biến do biến chủng Omicron lây lan nhanh.