Thủy triều đỏ là gì, đã từng có ở Việt Nam chưa?
Hình ảnh thủy triều đỏ ở Quảng Đông, Trung Quốc. |
Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những đợt bùng phát tảo biển nở hoa. Hiện tượng này xảy ra khi tảo ở cửa sông, biển, hoặc nước ngọt tích tụ nhanh chóng trong nước, thường khiến mặt nước đục hoặc chuyển màu, có thể tím, hồng, xanh hoặc đỏ. Thủy triều đỏ không liên quan đến chuyển động của thủy triều.
Thủy triều đỏ có thể sản xuất các độc tố tự nhiên, làm suy giảm oxy và gây ra các tác hại khác. Các nhà khoa học gọi đây là "hiện tượng tảo nở hoa độc hại" hay tảo độc. Tác hại dễ thấy nhất của thủy triều đỏ là động vật hay các loài cá, giáp xác, thân mềm sống ở ven biển và các sinh vật khác chết hàng loạt.
Thủy triều đỏ còn có tên gọi khác là"hiện tượng tảo nở hoa độc hại" |
Thủy triều đỏ cũng có khả năng gây hại cho sức khỏe con người, nếu ăn sinh vật bị nhiễm độc tố. Karenia brevis, loại tảo thường gặp ở vịnh Mexico, khi nở hoa có thể gây dị ứng mắt và ảnh hưởng đường hô hấp như ho, hắt hơi, chảy nước mắt. Những người bị bệnh hô hấp nặng hay kéo dài, như bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh hen suyễn, có thể bị ảnh hưởng mạnh.
Thực tế, không phải đợt bùng phát tảo biển nở hoa nào cũng có hại. Chúng có thể có lợi vì là thức ăn cho sinh vật trong đại dương.
Về hiện tượng thủy triều đỏ ở Việt Nam, vào trung tuần tháng 7/2002, người dân ở vùng biển Bình Thuận cũng đã gặp hiện tượng nước biển bỗng đỏ rực, sau chuyển sang xanh thẫm, rồi đen ngòm như nước cống. Cua, cá chết la liệt, san hô chết bạc trắng; rong biển, cỏ biển cũng chết. Hầu hết sinh vật biển bị tiêu diệt. Những ngày sau đó mùi hôi thối bốc lên… Du khách nghỉ dưỡng tại các resort trên bãi biển không dám bước chân xuống nước.
Ngày 22/4/2016, báo Nhân dân đã đưa tin thủy triều đỏ xuất hiện ở Nghệ An.
Thủy triều đỏ xâm nhập cửa biển thị xã Hoàng Mai, Nghệ An (Ảnh: báo Nhân dân) |