Thưởng Tết cho giáo viên: “Khéo co thì ấm”…
Trong khoản kinh phí chi thường xuyên được cấp cho các trường học, không có khoản nào dành để thưởng Tết cho giáo viên. Thế nên, trong quy chế chi tiêu nội bộ của nhiều trường, có dành hẳn một mục thưởng Tết, và Ban giám hiệu của nhiều trường chủ trương “khéo co thì ấm”, tiết kiệm các khoản từ nguồn chi thường xuyên để đến hết năm tài chính có thể dôi dư ra một ít làm nguồn thưởng cho GV.
So sánh thì biết bao nhiêu mà đủ
Thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) cười cười khi được hỏi về khoản thưởng Tết cho giáo viên: “Có thưởng gì đâu, chỉ là chút quà mang tính chất động viên nhau là chính thôi. Mỗi năm, anh em công đoàn tự vận động góp quỹ. Số quỹ ấy trích ra thăm hỏi đồng nghiệp lúc đau ốm, hiếu hỉ và một số công tác tình nghĩa khác. Còn lại bao nhiêu thì cuối năm, công đoàn tự cân đối mua sắm chút quà, nhà trường cũng góp thêm vào một chút, gọi là góp Tết cùng với giáo viên.
Phần quà của nhà trường năm nay trị giá khoảng 200.000 đồng/người”. Thầy Trọng nói mà như tự động viên: “So với những nơi vài ba triệu thì mình không dám so, chứ có những trường, quà Tết của giáo viên chưa đến 100.000 đồng, thì trường mình như thế cũng vui rồi.
Anh em cũng hiểu, trường nằm ở địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các khoản chi khác dành cho hoạt động dạy – học là vừa đủ, nguồn thu từ hội phụ huynh để hỗ trợ các hoạt động của HS không đáng kể nên nguồn chi thường xuyên cũng phải cân đối để hỗ trợ thêm”.
Thậm chí, giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng còn chung tay ủng hộ các gia đình gặp hoạn nạn trên địa bàn để góp phần giúp họ có một cái Tết ấm áp hơn.
Hỏi thầy Trọng có đơn vị nào gợi ý hỗ trợ Tết cho giáo viên không, thầy Trọng cho biết, thường thì các đơn vị chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho HS, “mà nếu có thì chúng tôi cũng giới thiệu hỗ trợ cho HS, vì thực tế các em cần hỗ trợ hơn”.
Như mới đây, với chương trình Xuân trao yêu thương, ngoài 5 suất học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn, 62 áo ấm, còn được tặng dụng cụ học tập và truyền thông về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.
Cô Ngô Thị Trúc – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (H. Hướng Hóa) chia sẻ: “Dự kiến mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng từ nguồn tiết kiệm chi tiêu nội bộ và quỹ công đoàn. Thực ra là chúng tôi tự “góp” Tết cho nhau thôi, vì quỹ công đoàn thì anh em đóng góp hàng tháng rồi, chứ kinh phí hoạt động thì đã ít ỏi, trường đóng chân trên địa bàn vùng khó, học sinh chúng tôi đi học còn được cấp gạo nên nguồn thu từ xã hội hóa là không có”.
Quà Tết của giáo viên Trường THPT Hướng Phùng vì thế đều là những nhu yếu phẩm thiết thực trong dịp Tết như dầu ăn, mì chính, hạt dưa… “Giáo viên lại thích nhận quà hơn là nhận tiền mặt, họ vui vì cũng có quà mang về góp Tết cùng với gia đình” – cô Trúc cho biết.
Thầy giáo Phạm Minh Tuấn – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tâm sự: “Nhìn ngành nọ ngành kia có thưởng Tết, thậm chí là thưởng nhiều, đôi khi cũng thấy chạnh lòng nhưng thực sự thì mình không buồn.
Cứ nhìn hoàn cảnh, điều kiện học tập của các em HS miền núi thiếu thốn đủ thứ, lại thấy những thiệt thòi của mình không thấm vào đâu. Chỉ mong sao có thể cải thiện được điều kiện dạy – học để rút ngắn phần nào khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược, để các em có thể theo đuổi con đường học tập, để phần nào thay đổi được cuộc sống vốn rất nghèo ở vùng miền núi này”.
Chính quyền chung tay thưởng Tết
Trong khi giáo viên miền núi hầu như hoàn toàn không có tiền thưởng Tết, thì ở thành phố, tiêu biểu như Đà Nẵng, mức thưởng Tết cho GV, ngoài nguồn từ quỹ công đoàn và tiết kiệm chi tiêu nội bộ, còn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Như Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng), trong quy chế chi tiêu nội bộ đều có khoản tiền thưởng cho các ngày lễ, tết. “Như Tết Dương lịch thì mỗi GV sẽ được thưởng 300.000 đồng, Tết Âm lịch thì có nhỉnh hơn một chút, 500.000 đồng/người.
Nếu cộng cả tiền thưởng Tết của UBND thành phố và UBND quận thì mỗi CB, GV, NV trong biên chế và hợp đồng ngân sách được khoảng 3,9 triệu tiền thưởng vào dịp Tết Đinh Dậu này” - cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường - cho biết.
Cũng từ khoản tiết kiệm chi thường xuyên, mỗi giáo viên Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được thưởng Tết mỗi người 2,5 triệu. “Đây là khoản chi đã nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Nếu cộng cả 1,9 triệu/người từ nguồn hỗ trợ của UBND quận và 1,2 triệu từ UBND thành phố thì mỗi giáo viên có khoảng 5,6 triệu tiền thưởng Tết” - cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ.
Với cơ chế tự chủ tài chính, riêng tiền thưởng năm 2016 từ nguồn tiết kiệm kinh phí hoạt động ngân sách Nhà nước của Trường THPT Trần Phú là 10 triệu/người.
Ngoài tiền thưởng Tết của công đoàn, mỗi giáo viên ở Đà Nẵng còn được thành phố hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người đối với loại hình trường ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ, 1,2 triệu đồng/người đối với loại hình trường ngân sách Nhà nước đảm bảo một phần.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện còn có sự hỗ trợ thêm cho giáo viên thuộc cấp mình quản lý, như Q. Sơn Trà hỗ trợ 1,9 triệu/giáo viên, Q. Hải Châu hỗ trợ 2 triệu/người. Riêng TPHCM, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Sở chi quà Tết với mức 1,4 triệu đồng/người. Có thể nói, đây là điều mà không phải tỉnh, thành nào trong cả nước cũng thực hiện được.
Hà Nguyên/Nguồn GDTĐ