Thực trạng khai thác khoáng sản tại thềm lục địa của Việt Nam?
Trả lời:
Căn cứ vào sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Trung ương, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành, xin trả lời bạn như sau:
Đến nay, ngoài dầu khí, khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn đã được phát hiện. Chúng thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý phân bố dọc ven biển, sườn bờ và dưới đáy biển.
Những phát hiện sa khoáng nguyên tố hiếm gần đây ở vùng cát ven biển và biển ven bờ nam Trung Bộ cho thấy trữ lượng các sa khoáng nói trên khá lớn. Từ đây sẽ khai thác các nguyên tố hiếm - nguyên liệu rất quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng và vũ trụ - với tổng giá trị dự tính không thua kém giá trị của dầu khí đã biết đến nay ở nước ta. Các mỏ sa khoáng ven biển được khai thác từ thời Pháp thuộc như ở mỏ Bình Ngọc (Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh), Vĩnh Mỹ (Huế), gần đây liên doanh với nước ngoài khai thác sa khoáng Kỳ Anh,... Sa khoáng Nam Trung bộ đang chứng kiến hiện tượng khai thác nhỏ, lẻ vô tổ chức, khiến cho suy giảm tài nguyên và sẽ tác động lâu dài đến môi trường khu vực.
Khai thác cát ven biển làm vật liệu xây dựng cũng được tiến hành ở nhiều nơi do loại cát này giàu thạch anh, ít tạp chất, nhưng thuộc loại cát mặn, nên việc sử dụng chúng vẫn có nhiều hạn chế và mang tính địa phương. Các mỏ vật liệu xây dựng khác tìm thấy ở đáy biển với trữ lượng lớn nhưng việc khai thác chúng đòi hỏi công nghệ cao và bảo vệ vùng biển, nên chưa được tiến hành.
Khai thác cát thủy tinh nổi tiếng là ở mỏ Vân Hải từ thời Pháp thuộc, sau này chỉ khai thác ở quy mô địa phương. Khai thác cát thủy tinh được tiến hành hiện nay ở Cam Ranh liên doanh với Nhật Bản.
Khai thác cát thủy tinh (Ảnh Báo Lao động) |
Nghề làm muối ở nước ta đã có từ lâu đời và là nghề còn thủ công. Hiện nay hoạt động làm muối từ nước biển được tiến hành trên khoảng 60.000 ha ruộng muối biển. Muối biển không chỉ rất cần cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, mà còn cho các ngành công nghiệp và y học. Ngoài ra, nước biển để nuôi trồng thủy sản, để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh,…