Thực trạng đào tạo Y, dược: Trường lấy điểm trên trời, trường chỉ xét học bạ
Mở ngành ồ ạt, điểm ngày càng thấp
Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vừa được Bộ GDĐT cho phép đào tạo ngành Y đa khoa, trường đã gửi báo cáo lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị được tuyển sinh vào tháng 1-2016 theo 3 tổ hợp tuyển sinh gồm toán - lý - hóa, toán - hóa - sinh và toán - lý - sinh, điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20 điểm 3 môn.
Đây không phải là cơ sở đào tạo ngoài công lập duy nhất được Bộ GDĐT cho phép đào tạo khối ngành y, dược. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực ngành này với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ...; 35 trường CĐ y dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ...; 44 trường trung cấp; 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH.
Nhiều trường ngoài công lập đã được Bộ GDĐT cho phép mở khối ngành y, dược từ những năm trước đây như: Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường ĐH Tân Tạo (Long An), Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Trường ĐH Thành Tây và Trường ĐH Thành Đô (Hà Nội)…
Tuy nhiên, nếu như điểm chuẩn của các trường ĐH top đầu về y dược như ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… đều ở mức 27- 28 điểm thì với các trường ngoài công lập, điểm trúng tuyển năm 2015 đối với ngành Y đa khoa cách một khoảng rất xa: Điểm chuẩn nguyện vọng 1 ngành Y đa khoa của ĐH Tân Tạo là 17,5 điểm; ĐH Võ Trường Toản: 20 điểm…
Điểm chuẩn ngành dược còn thấp hơn nhiều, chỉ bằng điểm sàn của Bộ GDĐT như: ngành Dược của Trường ĐH Thành Tây; ngành Điều dưỡng, Dược của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh)…
Thậm chí nhiều trường chỉ xét tuyển qua học bạ THPT, lấy điểm đầu vào còn thấp hơn điểm sàn như ĐH Nam Cần Thơ tuyển sinh ngành Dược sĩ bậc đại học đối với thí sinh có hộ khẩu ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ chỉ cần đạt 12,5 điểm là trúng tuyển.
Tương tự, việc vào học các ngành khối ngành sức khỏe càng dễ dàng hơn ở hệ trung cấp, cao đẳng khi chỉ cần đủ điểm sàn quy định của Bộ GDĐT là nhận hồ sơ nhập học. Đặc biệt, ở hệ trung cấp, nhiều trường nhận đào tạo các ngành này với những điều kiện như học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 học 3 năm; Học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 học 2 năm; Học sinh chưa được công nhận tốt nghiệp THPT (trượt tốt nghiệp lớp 12) học 2 năm + 3 tháng…
Quy mô đào tạo ngày càng lớn nhưng chất lượng lại khiến nhiều người lo ngại. Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã phải chính thức lên tiếng về tình trạng nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Bộ GDĐT nhấn mạnh tình trạng đào tạo tràn lan và việc thiếu tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế dẫn tới thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này không đảm bảo chất lượng.
Cuối năm 2014, Bộ GDĐT đã có văn bản tạm dừng việc cấp phép mở ngành đạo tạo y dược bậc đại học đối với trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y, dược. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học. Điều này một lần nữa dấy lên lo ngại trong cộng đồng bác sĩ.
Sức hút mở ngành Y dược vì học phí cao
Ngành y dược lâu nay là ngành có sức hút lớn khiến các thí sinh phải vượt rất nhiều thử thách để được theo học ngành này. Nhu cầu theo học lớn cộng với mức học phí cao chính là lý do nhiều trường ĐH không chuyên về ngành này muốn đăng ký mở ngành đào tạo y dược.
Học phí năm học 2015 – 2016 của ĐH Tân Tạo đối với ngành Y đa khoa là 6.122USD/năm (chưa tính tiền ăn và ở nội trú), trong khi các ngành học khác chỉ khoảng 3.000USD/năm.
ĐH Trà Vinh tạm thu học phí đối với ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược với mức 4,5 triệu đồng/học kỳ, gấp đôi các ngành học còn lại.
ĐH Võ Trường Toản thu học phí đào tạo ngành Y đa khoa của năm học này là trên 23 triệu đồng/học kỳ; ĐH Lạc Hồng thu học phí ngành Dược 15 triệu đồng/học kỳ; ĐH Tây Đô cũng thu ở mức trên 14 triệu đồng/học kỳ; ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu 18 triệu đồng/năm; ĐH Công nghệ miền Đông thu học phí ngành Dược ở mức 945.000 đồng/tín chỉ…
Mức thu học phí của ngành y dược thường cao cấp 2-5 lần so với các ngành học khác. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với những trường được phép đào tạo y dược.
Một giáo sư đề nghị được giấu tên ngán ngẩm chia sẻ: “Các trường đó lấy điểm đầu vào trên điểm sàn là do yêu cầu chứ nếu cho họ tự do tuyển đầu vào thì có khi thí sinh được điểm thấp hơn họ cũng lấy. Cái họ quan tâm là kinh phí đào tạo mà thôi”.
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Lý Văn Xuân, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP. HCM cho biết, ngành Y Dược liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, cần có quy trình đào tạo nghiêm ngặt, cơ sở vật chất đúng tầm và giảng viên có chuyên môn.
Với đầu vào thấp như các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang tuyển sinh sẽ không thể nào cho ra được những điều dưỡng viên, dược sĩ lành nghề và đáp ứng được nhu cầu công việc. Ở trường ĐH Y Dược TP. HCM, có rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển ở các địa phương gửi về đào tạo nhưng học hơn 10 năm vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết: "Ngoài các trường có tiếng tăm thì một số trường mới bắt đầu đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học gần đây đã mang lại nỗi lo lắng cho những người tâm huyết với ngành y. Nỗi lo này không xuất phát từ chuyện phân biệt công tư, mà xuất phát từ khả năng đào tạo, cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, đội ngũ giảng viên, chất lượng, chương trình giảng dạy, đặc biệt là việc tuyển đầu vào chỉ với 15, 20 điểm.
Theo tôi biết thì hiện nay, có những trường đào tạo bác sĩ đa khoa mà cơ sở vật chất không đầy đủ. Việc các trường không có phòng xác cho sinh viên học môn giải phẫu, môn quan trọng nhất trong các môn khoa học cơ sở đối với các bác sĩ, là một khiếm khuyết, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo.
Với các bác sĩ, không nắm được giải phẫu học sẽ rất nguy hiểm. Câu nói đùa "cắt amygdale qua ngả hậu môn" có nguy cơ trở thành sự thật nếu một bác sĩ không nắm được những kiến thức giải phẫu. Với cách cho phép các trường y không có phòng xác, mượn phòng xác của các trường có sẵn, Bộ GD&ĐT sẽ giúp san bằng chất lượng đào tạo, lôi kéo chất lượng của các trường có chất lượng ổn định xuống bằng việc chiếm dụng cơ sở vật chất của họ.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra, tuyển sinh với số điểm thấp, trong quá trình đào tạo sẽ đào thải, chỉ ai đạt được yêu cầu mới cho ra trường. Đối với tính đặc thù của ngành y, việc tiếp nhận đào tạo và sau đó sa thải học viên sẽ dẫn đến điều gì? Tốn tiền bạc và thời gian công sức, đồng thời, những người được đào tạo dở dang ấy không thể ứng dụng được các kiến thức của mình vào ngành nào khác, gây ra một sự lãng phí rất lớn cho xã hội.
Việc bảo đảm chất lượng đầu ra là việc tất yếu, nhưng nếu mở rộng đầu vào một cách vô tội vạ sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường, hệt như việc mất cân bằng xuất nhập trong một số bệnh lý chuyển hóa của y khoa. Việc mở rộng đầu vào chỉ có một tác dụng duy nhất, giúp cho các trường thu được nhiều học phí hơn.
Hiện nay, việc tuyển sinh y khoa chỉ với điểm thi các môn, mà trong quá trình học gần như không sử dụng đến, có nhiều bất cập. Tuy nhiên, khi chưa có phương pháp tuyển sinh hiệu quả hơn, thì việc chọn lựa những học sinh có đủ khả năng bằng điểm thi vẫn là yếu tố khách quan nhất.
Sự chênh lệch giữa 15 điểm, 20 điểm so với 27, 28 điểm là một khoảng cách rất lớn, làm cho đội ngũ sinh viên y khoa không thể ra trường ngày càng đông đúc, hoặc nếu áp dụng thi lấy chứng chỉ hành nghề nghiêm túc, sẽ có vô số bác sĩ ra trường nhưng không được hành nghề”.