Thực thi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa, hiện tại như thế nào?
Trả lời:
Bạn thân mến!
Được tận mắt chứng kiến sự gian khổ của quân và dân huyện đảo Trường Sa mới thấm thía sự dũng cảm, kiên định của người Việt Nam trong công cuộc bảo vệ biển đảo. Những đảo nổi bốn bề sóng vỗ, rất thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh vào mùa khô. Những đảo chìm còn khó khăn hơn... Nhưng vượt lên trên tất cả, đó là chủ quyền dân tộc. Những người lính không bao giờ lơ là mất cảnh giác, vẫn ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Khi cầm tay chúng tôi, những người lính Hải quân luôn nhắc lại: "Đất liền hãy yên tâm, chúng tôi quyết sẽ không để một hòn đảo nào rơi vào tay giặc". Thực tế này đã minh chứng, khi đoàn Việt Kiều ra thăm đảo, nhiều người đã khóc khi thấy những hòn đảo đất ngày xưa đã được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ như thế nào. Nhiều người đó có nhận thức đúng đắn hơn về công cuộc giữ gìn biển đảo của Việt Nam hiện nay.
Cô- Lin ngày giông gió, tháng 6/2013 (Ảnh Hồng Chuyên) |
Đó là thực tiễn thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, trên các mặt trận ngoại giao, hành chính, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thể hiện quyết tâm gìn giữ biển đảo trên nhiều chính sách. Điều này được sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Trung ương kể đến như sau:
Ngày 05 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo Trường Sa.
Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 05 tháng 6 năm 1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 02 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là CHXHCN Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách trắng: chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”.
Ngày 12 tháng 11 năm 1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam.
Ngày 09 tháng 12 năm 1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11 tháng 12 năm 1982, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngày 28 tháng 12 năm 1982, Quốc hội khóa 7 nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.
Ngày 11 tháng 4 năm 2007, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Nghị định số 65/NĐ/CP quyết định thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa:
- Thị trấn Trường Sa, gồm đảo Trường Sa Lớn và phụ cận.
- Xã Song Tử Tây, gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận.
- Xã Sinh Tồn, gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận.
Năm 1988, CHND Trung Hoa đã huy động lực lượng vũ trang đánh chiếm các bãi cạn phía tây bắc quần đảo Trường Sa. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp quốc và gửi các Công hàm tố cáo và phản đối CHND Trung Hoa đã đánh chiếm các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi.
Tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách trắng “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế”.
Ngày 01 tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngày 01 tháng 01 năm 1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng.
Ngày 25 tháng 4 năm 2009, Thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Sa…
Cho đến nay, ngoài những hoạt động kể trên, Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.