Thực hư lời đồn về "cây dược liệu quý" mủ đỏ
Về nhà tìm hiểu trên internet thấy rất giống những loại cây thuốc quý, tôi cùng mấy người bạn mang lá và mẫu cành cây đi thử nghiệm xem thực hư thế nào… Chẳng bao lâu mà cây si trăm tuổi “sống” trên vùng đất xa xôi, cô lập đã thu hút sự quan tâm của người dân trong xã An Trung.
Những ngày cuối tháng 8, người dân xã An Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai kháo nhau rằng ở địa phận xã mình có cây si mủ đỏ quý như trầm. Lời đồn nhanh chóng bay xa, từ một người biết, đến tai mười người rồi cả trăm người dân trong xã kéo nhau đến xem cây si quý hiếm ấy. Câu chuyện bắt nguồn từ phán đoán của một người đàn ông tên Nhã (ngụ tại xã An Trung), ông kể lại: Bao nhiêu năm nay tôi thường lên rẫy mía nhà mình, thấy loại cây đã có từ lâu năm mọc trên đá, gần bờ suối.
Cây si có mủ màu trắng sữa sau chuyển thành màu đỏ được cho là loại cây dược liệu quý như trầm.Ảnh: Tú Uyên |
Cứa vào thân cây, tôi thấy mủ của cây màu trắng sữa chảy ra, một lúc sau mủ của nó chuyển màu nâu rồi sang màu đỏ. Về nhà tìm hiểu trên internet thấy rất giống những loại cây thuốc quý, tôi cùng mấy người bạn mang lá và mẫu cành cây đi thử nghiệm xem thực hư thế nào. Những người sống lân cận biết tin nhóm của ông Nhã tìm được loại cây thuốc quý giá cả tỷ đồng liền rủ nhau đến xem rất đông. Họ tìm đến nơi có cây si mủ đỏ như lời đồn rồi để thỏa mãn sự tò mò về loại cây thuốc quý, mỗi lượt người đến xem đều cứa vào thân cây kiểm nghiệm xem mủ của nó có thực sự có màu đỏ hay không. Chẳng bao lâu mà cây si trăm tuổi “sống” trên vùng đất xa xôi, cô lập đã thu hút sự quan tâm của người dân trong xã An Trung.
Ông Nguyễn Văn Ký-Chủ tịch xã An Trung, cho biết: “Cách đây gần một tuần, mấy người đàn ông chuyên đi buôn gỗ ngồi uống nước ven đường đã nói chuyện với nhau về loại cây si mủ đỏ quý như trầm tại địa phận xã. Lời đồn nhanh chóng lan rộng ra, bà con kéo nhau đi xem và thuê người leo lên cây cao hái lá, bẻ cành đem đi thử nghiệm”. Câu chuyện cây si mủ đỏ có giá trị như cây dược liệu quý khiến con đường vào khu rừng khộp thuộc lô 5, khoảnh 3 tiểu khu 754 dù ngày mưa hay ngày nắng đều có nhiều tốp người ra vào.
Ông Trịnh Quốc Oai-Trưởng Công an xã An Trung nói về cây si.Ảnh: Tú Uyên |
Theo chân anh Trịnh Công Oai-Trưởng Công an xã An Trung dẫn đường vào nơi cây si ngự trị. Đến nơi, cây si không có gì đặc biệt hơn so với những cây khác. Nếu không được giới thiệu thì chắc chắn sẽ không ai biết sự khác biệt rằng cây mọc trên tảng đá to, cạnh bờ suối. Thân cây đã có nhiều vết cứa mới nông, sâu đủ kiểu. Đó là dấu vết của những sự kiểm nghiệm giải tỏa mối tò mò của người dân. Chiều cao từ gốc cây đến tán cành là 7 mét, thân cây chỉ hơn vòng tay của một người trưởng thành ôm.
Ông Nhã tâm sự: Sự thật nếu đây là cây thuốc quý thì nó đã chẳng còn ở vị trí này đến giờ. Hơn nữa, tôi là một trong những người phát hiện ra nó thì phải bán cái cây này đi rồi bỏ trốn. Không ngờ, lời đồn nhanh đến vậy. Hơn tuần nay, tôi mệt mỏi vì hết người này đến người nọ gọi điện hỏi han về loài cây và số tiền nghi tôi bán được.
Ông Oai cũng cho biết thêm: Ngày 31-8, sau khi nghe tin về loại cây khiến bà con hoang mang, chúng tôi đã cùng kiểm lâm xã lên kiểm tra tính xác thực của nguồn tin. Từ ngày có lời đồn, bà con trong xã cùng một tốp người chuyên làm gỗ từ An Khê vào “thăm” cây si. Nhờ kinh nghiệm lâu năm với nghề gỗ, họ nhanh chóng xác định đây chỉ là loại cây si bình thường, chẳng phải thuốc quý hiếm gì nên chỉ đến xem một lúc rồi về.
Lực lượng chức năng không để tình trạng chốt trực cây si gây mất trật tự và an toàn xảy ra. Câu chuyện cây si mủ đỏ có giá trị như cây thuốc quý giá cả tỷ đồng hoàn toàn sai sự thật, bà con nên thận trọng để tránh làm mất thời gian, công sức và ảnh hưởng đến thiên nhiên.
Theo Gia Lai online