Thua lỗ triền miên từ truyền hình K+, VTV muốn thoái vốn
Ngày 13/1/2022, Sở GDCK TP Hà Nội sẽ tổ chức phiên đấu giá phần vốn góp của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tại Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+.
Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) được thành lập vào năm 2009. Sau 6 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, công ty hiện có vốn điều lệ hơn 344,493 tỷ đồng, trong đó VTV nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương đương gần 176 tỷ đồng.
K+ là công ty liên doanh thành lập bởi Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) thuộc VTV và Canal + International Development (Pháp). Năm 2013, VTV tiếp nhận chuyển giao toàn bộ phần vốn góp của VTVcab trong K+ và tiếp nhận toàn bộ quyền và nghĩa vụ của VTVcab với tư cách là đối tác liên doanh.
Trong phiên đấu giá này, VTV muốn bán phần vốn góp 15% vốn điều lệ của liên doanh K+, giá trị phần vốn góp là 51,674 tỷ đồng.
Giá khởi điểm cho phần vốn góp này là 188,778 tỷ đồng. Điều kiện tham dự đấu giá là tất cả các nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định tại quy chế bán đấu giá phần vốn góp của VTV tại K+ được Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành.
K+ là kênh truyền hình độc quyền phát sóng các giải đấu thể thao hấp dẫn như giải ngoại hạng Anh Premier League, UEFA Champions League, UEFA Europa League. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh gay gắt từ truyền hình trả tiền, liên doanh này liên tiếp báo lỗ trong kết quả kinh doanh.
Trong hai năm gần nhất, 2019 và 2020, K+ lỗ lần lượt 246 tỷ đồng và 265 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2021, K+ lỗ lũy kế trên 3,747 tỷ đồng. Năm 2021, K+ dự kiến lỗ gần 291 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2021, công ty có doanh thu thuần 973 tỷ đồng và lỗ 241 tỷ đồng.
Bên cạnh việc doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do số lượng thuê bao truyền hình số vệ tinh giảm sút, hoạt động quảng cáo trên K+ cũng bị ảnh hưởng do tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, K+ đã có sự tăng trưởng trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số và việc kiếm tiền từ nội dung K+ kỹ thuật số trên các nền tảng Facebook và Youtube.
Hiền Anh
Tiền không biết làm gì cứ đổ vào như thác, DN thua lỗ giá cổ phiếu vẫn tăng vun vút, điều gì đang xảy ra?
Sau mấy phiên sụt giảm, 2 ngày qua thị trường chứng khoán chứng kiến phen “nổi sóng” khi dòng tiền đột ngột đổ vào khiến chỉ số VN-Index ngày 24/11 đạt mốc 1488 điểm và tiếp tục vượt đỉnh lịch sử tăng vượt mốc 1.500 điểm trong ngày 25/11