Thời tiết thay đổi, bệnh lý tai mũi họng gia tăng
PGS An nội soi cho bệnh nhi. |
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, viêm họng cấp có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nguyên nhân của viêm họng cấp thường là virut (chiếm đa phần) hoặc vi khuẩn.
Vì vậy, viêm họng cấp ở trẻ chiếm tỷ lệ hàng đầu trong số lần khám tại các phòng khám nhi khoa do tình trạng viêm niêm mạc họng xảy ra một cách đột ngột bởi vi sinh vật (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng) và do một số yếu tố liên quan. Với virut có thể gặp bởi bệnh virut cúm, virut sởi, virut Adeno.
Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị viêm họng cấp phải kể đến như thay đổi thời tiết (nóng, lạnh đột ngột), ẩm ướt, mưa nhiều, bụi bẩn (bụi công nghiệp, bụi bẩn), khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ) hoặc gặp ở trẻ còi xương suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, ít vệ sinh răng miệng, họng.
Theo PGS Hoài An, viêm họng cấp ở trẻ có thể dẫn tới nhiều biến chứng như viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp ở trẻ, là những bệnh khá nguy hiểm.
Khi bị viêm họng cấp, trẻ thường có biểu hiện sốt cao, rét run kèm theo nuốt đau, rát họng, khàn tiếng, ho. Ngoài ra chảy nước mũi nhầy, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn. Đặc biệt hay có viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm (sưng, đau). Với trẻ còn bú mẹ thường bú ít hoặc bỏ bú, quấy khóc, ít ngủ.
Thông thường viêm họng cấp sẽ khỏi trong vòng vài ngày nhưng nếu sức đề kháng trẻ yếu, không được điều trị triệt để thì bệnh sẽ diễn tiến phức tạp hơn, dẫn tới nhiều biến chứng cụ thể như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm, nhiễm khuẩn huyết hoặc trở thành viêm họng mạn tính.
Chính vì vậy khi trẻ bị viêm họng cấp cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị triệt để tránh những biến chứng. Phụ huynh cũng cần có chế độ chăm sóc tốt nhất cho trẻ để nhanh khỏi bệnh.