Loạt cổ phiếu CNTT, điện tử đầu bảng FRT, MWG, DGW lao dốc mạnh, nhà đầu tư có nên xuống tiền?
Chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7, giá cổ phiếu các doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng ICT&CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) đồng loạt rơi vào tình trạng lao dốc.
Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 7, giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động giảm 14% còn 61.500 đồng/cp (ảnh minh hoạ). |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, sau hai tuần đầu của tháng 7, cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ FPT giảm mạnh nhất với mức giảm 20% kể từ đầu tháng 7, còn 73.300 đồng/cp; DGW của CTCP Thế giới số giảm 18% còn 52.500 đồng/cp; MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động giảm 14% còn 61.500 đồng/cp.
Đây cũng là quãng thời gian nhóm các cổ phiếu CNTT, điện tử giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2022.
WMG của Thế giới di động chỉ có duy nhất 1 phiên tăng giá kể từ đầu tháng 7.
Với DGW và FRT, các cổ phiếu này chỉ có được vỏn vẹn 3 phiên tăng giá trong suốt 2 tuần giao dịch vừa qua. Thậm chí các phiên giảm giá của FRT và DGW còn bị xen kẽ bởi những phiên giảm sàn
Một trong số những nguyên nhân chính khiến nhóm cổ phiếu này thường xuyên kết phiên đỏ sàn là do lo ngại lạm phát có thể tiếp tục gia tăng trong các quý tới. Lo ngại này khiến mới đây Công ty Chứng khoán SSI đã khuyến nghị các nhà đầu tư giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn.
Thực tế cho thấy trong mảng ICT & CE, DGW vừa công bố lợi nhuận ròng quý 2/2022 tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng 97% so với cùng kỳ trong quý 1/2022.
Với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), tăng trưởng doanh thu từ mảng ICT & CE trong tháng 5 chỉ 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 20- 22% từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022.
Lợi nhuận của DGW đã đạt đỉnh vào quý 4/2021 nhờ doanh thu máy tính xách tay tăng cao bất thường, do đó SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2022 có thể sẽ âm.
Tuy nhiên, dự báo năm 2023, lợi nhuận của DGW có thể vẫn tăng do đóng góp nhiều hơn từ hợp đồng phân phối thiết bị gia dụng thương hiệu Whirlpool và Joyoung mới được ký kết. Doanh thu từ các hợp đồng hiện tại có thể vẫn tăng lên khi điện thoại di động Xiaomi tiếp tục chiếm thị phần, giá bán iPhone tiếp tục tăng hàng năm.
Với FRT, lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng đã đạt đỉnh trong quý 4/2021 nhờ doanh thu máy tính xách tay cao bất thường, do đó lợi nhuận quý 4/2022 có thể sẽ giảm so với mức cao của năm ngoái. FRT vẫn có thể tăng lợi nhuận vào năm 2023 (dù rất ít) nhờ thị phần trong ngành bán lẻ ICT tăng lên.
Trong khi đó, triển vọng MWG vẫn có thể tăng lợi nhuận nhờ tăng thị phần trong mảng ICT và CE, mặc dù tăng trưởng từ mảng này sẽ thấp.
Tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của MWG còn phụ thuộc vào thành công của hoạt động tái cơ cấu Bách hoá Xanh (BHX) được thực hiện trong quý 2 và quý 3/2022. Nếu quá trình tái cấu trúc thành công, tăng trưởng lợi nhuận có thể quay lại như trước đại dịch.
Ngân Giang
Cổ phiếu thép liên tiếp giảm sâu, lướt sóng có dễ ăn?
Tính từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu của 3 doanh nghiệp thép niêm yết lớn nhất đều giảm mạnh. Tính đến hết phiên 5/7, HPG của Tập đoàn Hoà Phát giảm 37%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm 54% và NKG của Thép Nam Kim giảm 40%.