Tay trắng về nơi hẻo lánh, 8X thành ông chủ vườn thu nhập hàng trăm triệu đồng
Khởi nghiệp khi trong tay chẳng có đồng xu nào, đi vay mượn được 120 triệu đồng rồi ‘ôm’ tiền tìm mua đất; vừa trồng hồ tiêu, vừa đi làm thuê... đến nay anh Phan Thanh Sơn (Gia Lai) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ tiêu.
Khởi nghiệm từ đôi bàn tay trắng, 8X Gia Lai mong trở thành ông chủ nhiều vườn hồ tiêu. |
Vay 120 triệu đồng mua đất
Biết đến cây hồ tiêu từ khi 10 tuổi, anh Phan Thanh Sơn (sinh năm 1985) ở Gia Lai luôn ấp ủ sẽ trở thành ông chủ của nhiều vườn tiêu.
Để thực hiện ước mơ ấy, năm 2016 khi vừa lấy vợ xong, anh Sơn đã ‘ôm” 120 triệu đồng tiền vay mượn được để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.
Để tìm được mảnh đất vừa túi tiền, sau bao ngày rong ruổi tìm mua đất, không từ cả chỗ xa xôi, hẻo lánh cuối cùng, anh "chốt" mảnh đất rộng 1,2 ha ở xã Đắk Sơ Mei, huyện Đak Đoa (Gia Lai) với giá 100 triệu đồng. Vì khu đất nằm ở nơi khá hẻo lánh đến nỗi sau lần về nhà thăm vợ con để quay lại "ăn nằm" cùng nó thì anh chẳng còn nhớ mảnh đất nằm chỗ nào, đành phải gọi điện cho người bán để họ dẫn đến đúng nơi.
"Ôm" 120 triệu đồng vay mượn đi mua đất để trồng tiêu và đây là thành quả của anh Nguyễn Thanh Sơn ở Gia Lai sau hơn 3 năm gắn bó. |
Chia sẻ với PV Infonet, anh Sơn nhớ lại 3 ngày đầu sống trên mảnh đất này, anh suy nghĩ và lên phương án để bắt tay vào làm.
“Tôi quyết định chỉ trồng hạt tiêu, không trồng cà phê bởi trồng cà phê rất tốn kém, cần nhiều vốn, trong khi mình lại không có. Hơn nữa, tôi đã biết cây hồ tiêu khi mới 10 tuổi. Đến năm 16 tuổi, tôi bắt đầu đi làm thuê khắp các vườn tiêu tại nhiều huyện ở Gia Lai.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự 2 năm trở về, tôi lại tiếp tục tìm đến những vườn tiêu lớn ở Tây Nguyên, Đắk Lắk... để làm thuê vừa kiếm tiền, cũng là để học hỏi, ‘dắt túi’ kinh nghiệm hay cho mình. Tôi quan sát từ việc làm hố tiêu thế nào, tỷ lệ bón phân ra sao... đặc biệt cách chữa bệnh cho tiêu và nguồn nước tưới tiêu cần chú ý những gì”, anh Sơn kể.
Anh Sơn tự nhân giống bằng chính các trụ tiêu đang trồng ở vườn. |
Đầu tiên, anh mua muồng trụ và bắt đầu trồng 200 trụ đầu tiên, còn cây giống thì anh tận dụng bằng việc đi xin những dây tiêu thải của vườn khác.
Thời gian đầu, để vừa có tiền trang trải cuộc sống và vừa chăm sóc được vườn tiêu của mình, hàng ngày anh Sơn vẫn đi làm thuê cho các vườn tiêu khác. Cả ngày đi làm thuê kiếm tiền, còn vườn của mình thì tranh thủ vào sáng sớm và chiều tối, kể cả những hôm phải thắp đèn chăm chút cho những cây tiêu của mình.
Vì vườn tiêu ở vùng đất hoang vu, không có điện nên anh Sơn đầu tư bộ năng lượng mặt trời để phát sáng, sạc điện thoại, xem tivi... và một mình anh sống ở vườn tiêu, cứ 2-3 tháng mới về thăm vợ con một lần.
“Ngày lại ngày trôi qua, khi cậu con trai đầu lòng được 9 tháng tuổi, tôi đưa vợ con lên thăm vườn, khi ấy cây tiêu mới cao khoảng 50cm từ đất lên... nhìn khung cảnh hoang tàn, vợ tôi rớt nước mắt. Nhưng tôi động viên vợ cứ yên tâm, tin tưởng vào bản lĩnh của chồng, đây mới chỉ là khởi đầu, 2 năm sau mới biết”, anh Sơn nhớ như in những lời mình nói với vợ.
Doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ
Nhờ có nhiều kinh nghiệm từ đi làm thuê các vườn tiêu từ nhỏ, anh Sơn đã trồng được những trụ tiêu cho năng suất, ít tốn chi phí.... |
Anh Sơn chia sẻ, do hiểu cây tiêu nên khi chăm sóc vườn tiêu của mình anh không tốn nhiều chi phí, nhất là việc bón phân cho cây. Anh đã tận dụng ngay những cây cỏ để tạo phân xanh bón cho cây vừa an toàn, vừa tốt cho đất không bị nhiễm độc, đất sạch sẽ giúp cây tiêu sống khỏe, kéo dài tuổi thọ.
“Trồng tiêu khi biết cách sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng cũng có lúc phải chăm sóc nó như chăm đứa trẻ. Phải ở bên cạnh cây tiêu để mỗi khi nắng, mưa thất thường là đi kiểm tra từng trụ để có thể xử lý kịp thời khi phát hiện mắc bệnh, tránh bị rụng bông, gây mất mùa...”, anh Sơn nói.
Anh Sơn kể, cũng có đêm không ngủ được, dậy xách đèn pin đi dạo quanh vườn kiểm tra các trụ tiêu, có lần đang soi trụ thì giật mình vì nhìn thấy rắn lục xanh đuôi đỏ ngóc đầu ra, hoảng hốt nên chạy miết...
Khó khăn, vất vả nhưng anh không quản ngại. Thế rồi, 2 năm sau, năm 2018, vườn tiêu bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên được 5 tạ, thu về 20 triệu đồng.
Vợ chồng anh Sơn nhớ nhất lần đầu tiên thu hoạch tiêu khó trăm bề vì không có máy móc, dụng cụ hỗ trợ. “Ban ngày một mình hái tiêu, đến đêm lại đổ tiêu ra giữa nhà rồi vợ phụ nhặt lá, còn tôi thì đứng chà, đạp hạt tiêu ra.... nhiều người không nghĩ rằng, chỉ có một mình tôi mà có thể chà, đạp được 5 tạ hạt tiêu”, anh Sơn kể lại.
Sau đợt thu hoạch đó, anh Sơn bắt đầu trồng thêm 300 trụ tiêu từ nguồn giống có sẵn ở vườn nhưng vẫn đi làm thêm, tuy nhiên anh chọn lọc công việc, chỉ nhận khâu kỹ thuật, phun thuốc chữa bệnh cho tiêu... là những công việc giúp anh vừa học hỏi được thêm kinh nghiệm, cũng vừa có tiền công cao hơn.
Khởi nghiệm từ đôi bàn tay trắng, anh Sơn rút ra rằng, vốn có thể đi vay, kỹ thuật có thể học hỏi được... nhưng quan trọng nhất là phải dám làm và phải có niềm tin. |
Vụ gần nhất, anh Sơn ‘khoe’ thu hoạch được 1,7 tấn tiêu, thu về 120 triệu đồng. Dự tính ăn Tết xong, anh sẽ tiếp tục mùa thu hoạch với cả nghìn trụ tiêu, năng suất đạt khoảng 4 tấn.Cứ tăng dần số lượng trồng, đến nay khu vườn đã có trên 1.000 trụ tiêu, anh Sơn chuẩn bị trồng xuống 700 trụ nữa. Nếu trồng hết khu đất 1,2 ha, sẽ có khoảng trên 2.000 trụ tiêu.
“Nếu giá tiêu vẫn ở mức trên 80.000 đồng/kg như bây giờ, tôi sẽ thu về khoảng 320 triệu đồng. Không những sẽ trả hết bay số tiền vay ban đầu mà sẽ có thêm vốn”, anh Sơn nhẩm tính.
Khởi nghiệp với nông nghiệp cần dám làm, có niềm tin
Anh Sơn nhớ lại 3 năm trước, khi giá tiêu chỉ ở mức 35.000 đồng/kg, nhiều người thân bên nhà vợ đều khuyên tôi bỏ vườn tiêu đi để về làm công nhân, nhưng anh quyết không từ bỏ. Anh thuyết phục mọi người bằng kinh nghiệm của mình, cho rằng giá tiêu không bao giờ chỉ ‘đứng’ ở mức đó, chắc chắn giá sẽ lên... và quyết định bám, không từ bỏ tiêu.
Đúng như anh dự đoán, giá tiêu đã tăng dần, đến nay, giá tiêu ở Gia Lai đã tăng lên mức trên 86.500 đồng/kg. Đến bây giờ, bố mẹ vợ khi lên thăm vườn tiêu đều vui mừng, dậy rất sớm để đi hái tiêu mà không ai muốn về...
Ước mơ sẽ có thêm nhiều vườn tiêu luôn ấp ủ trong anh. Anh Sơn mong ước sẽ mua thêm nhiều héc ta đất, cùng kinh nghiệm của mình sẽ mở rộng quy mô thêm dần dần. Đã có nhiều bạn trẻ hỏi anh về kinh nghiệm khởi nghiệp với cây tiêu, anh Sơn chẳng giấu giếm điều gì, biết gì anh cũng đều tư vấn, giúp đỡ hết.
Anh bảo, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp với cây tiêu, anh sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật, những ai ở gần vườn tiêu của anh, cần giống khởi nghiệp anh đều tặng các bạn chứ không lấy tiền.
“Muốn khởi nghiệp với nông nghiệp, chỉ cần có đất là làm được, kỹ thuật có thể học hỏi được, vốn có thể đi vay... nhưng quan trọng nhất là phải dám làm, phải có niềm tin, chịu khó học hỏi ắt sẽ làm được”, một vài kinh nghiệm rút ra từ bản thân, anh Sơn muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ khi tay trắng muốn khởi nghiệp nông nghiệp như mình.
Khôi Nguyên
Biến đồng hoang thành ruộng rươi đặc sản, thu hàng trăm triệu đồng
Thấy nhiều thửa ruộng bỏ hoang bên bờ sông Lam, Đinh Nho Quỳnh (SN 1984, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã đứng ra xin thầu lại, rồi đầu tư cải tạo thành cánh đồng rươi rộng lớn, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.