Nhà đất Sài Gòn rục rịch tăng giá
Những ngày này, môi giới BĐS các khu vực có phần bận rộn hơn khi lượng nhà đầu tư đi xem nhà, đất đã chộn rộn sau giãn cách.
Ghi nhận cho thấy, BĐS TP Thủ Đức nói riêng, TP.HCM nói chung đã "ấm" trở lại sau khoảng thời gian bất động vì dịch Covid-19. Bên cạnh các hoạt động môi giới rục rịch dẫn khách đi xem nhà, đất thì các doanh nghiệp BĐS cũng tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, mở bán, tái khởi động dự án sau khoảng thời gian dài im ắng.
Tại TP Thủ Đức, hoạt động mua bán đã bắt đầu rộn ràng trở lại những ngày qua. Môi giới BĐS có phần bận rộn hơn vì dẫn khách đầu tư đi xem đất. Theo đại diện một sàn BĐS trên địa bàn Q.9 (cũ), hiện một ngày khu vực Q.9 có khoảng 20 hợp đồng cọc được anh em môi giới thông tin trong Group. Sau khoảng thời gian "ngủ đông", nhà đầu tư đã bắt đầu đi xem BĐS khá nhiều. Trong đó, đất nền có sổ và nhà phố xây sẵn tại các KDC vẫn được NĐT quan tâm (bao gồm cả người mua ở thực).
Không chỉ khu Đông, khu Tây TP.HCM, hoạt động mua bán đất nền, nhà phố, căn hộ cũng rục rịch trở lại. Một số CĐT bắt đầu tìm kiếm khách hàng bằng hoạt động giới thiệu các sản phẩm giai đoạn tiếp theo ra thị trường và nhận được sự quan tâm của người mua.
Chia sẻ về tình hình mua bán BĐS thời điểm sau giãn cách, anh B, một môi giới BĐS khu Đông cho hay, nhà đầu tư đã bắt đầu đi xem đất và có nhiều hợp đồng cọc phát sinh. Tuy nhiên, cũng có nhóm NĐT còn dè dặt, chỉ xem và không "xuống tiền". Thường họ là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường BĐS. Theo nam môi giới này, tâm lý thận trọng của các NĐT là dễ hiểu bởi dịch thực tế chưa hết hoàn toàn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam mà chỉ mới là tạm ổn, nới giãn cách. Vì thế, nhiều NĐT có thể đã ưng ý BĐS đó nhưng xem xét tình hình thị trường thêm.
Môi giới BĐS có phần bận rộn hơn sau giãn cách |
Thực tế, hiện tại thị trường TP.HCM cũng không có nhiều nguồn cung để bán cho khách đầu tư. Hầu hết các sản phẩm đều là nguồn hàng mở bán giai đoạn tiếp, rất ít dự án mới tinh. Theo thống kê của Công ty JLL Việt Nam, trong quý 3/2021, nguồn cung mới chỉ đạt 1.610 căn, sụt giảm mạnh ở mức 73,4% theo quý, giảm 67,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lượng mở bán thấp kỷ lục kể từ năm 2014 do một loạt sự kiện mở bán mới bị trì hoãn theo quy định giãn cách xã hội. Thị trường bị nén lại trong quý 3/2021 do đại dịch được kỳ vọng sẽ hồi phục khi nhiều dự án có kế hoạch mở bán với tổng cộng gần 10.000 căn dự kiến tung ra trong quý 4/2021, tương đương với tổng lượng bán của 9 tháng đầu năm.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, nguồn cung rao bán và nhu cầu tìm kiếm nhà đất trên cả nước giảm mạnh trong quý 3 vừa qua dưới tác động của đại dịch lần 4. Tổng lượng tin đăng bán nhà đất toàn thị trường giảm hơn 56%, nhu cầu mua nhà cũng giảm 38% so với quý 2 trước đó. TP.HCM và các tỉnh phía Nam có lượng tin đăng bán giảm mạnh nhất với mức giảm 81%. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang dần ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, nhất là trong thời điểm cuối tháng 9/2021 khi có thông tin mở cửa nền kinh tế, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất trên cả nước tăng hơn 55% so với tháng 7 và tháng 8.
Về mặt bằng giá, ghi nhận cho thấy, BĐS tại TP Thủ Đức (TP.HCM) hiện giá giữ nguyên so với trước dịch, không biến động tăng. Có một số sản phẩm đẹp thì giá nhích khoảng 3-5%. Tuy nhiên, theo dự báo, giá BĐS khu vực này dự báo sẽ tăng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau khi mà tình hình quan tâm của nhà đầu tư khả quan hơn, cũng như dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Theo đại diện một sàn BĐS khu Đông, đây mới là thời điểm nới giãn cách, tâm lý của đa số NĐT là tận dụng thời điểm này để kiếm "hàng tốt, hàng ngon", cho nên nếu tăng giá họ sẽ chùn chân. Thời điểm nhạy cảm này, có nhiều NĐT muốn đẩy được hàng ra sau mấy tháng bị "ngộp" lãi suất. Những NĐT có tiền sẽ vào thị trường lúc này là để giải quyết nguồn hàng này, cho nên đa số đều giữ giá chứ không tăng. Những NĐT có kinh nghiệm thường họ sẽ đi trước đón đầu để tìm cơ hội giá BĐS tăng khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Theo báo cáo của JLL, trong quý 3, giá bán căn hộ sơ cấp cũng tiếp tục tăng mạnh trong quý vừa qua với mức trung bình đạt 2.683 USD/m2, tăng 4,4% theo quý và 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và các dự án mới gia nhập thị trường phần lớn đều ở phân khúc trung cấp trở lên. Riêng ở phân khúc cao cấp, giá bán sơ cấp đạt 5.099 USD/m2, tăng 3,9% theo quý và 11,4% theo năm chủ yếu do các dự án chào bán mới với mức giá cao hơn mức trung bình.
Giá bán có xu hướng tăng đều khắp các quận huyện nội thành, thậm chí xu hướng tăng giá còn lan rộng ra các quận huyện vùng ven với nhiều dự án mới chào bán với mức giá cao kỷ lục so với mặt bằng chung của khu vực. Đáng chú ý, giá chào bán tăng cũng đi kèm với việc nâng cấp chất lượng công trình và chính sách bán hàng ưu đãi. Nhằm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch, nhiều chủ đầu tư triển khai các chính sách bán hàng mới như giãn tiến độ thanh toán chỉ 1% mỗi tháng hoặc chiết khấu trực tiếp trên giá bán.
Bên cạnh đó, thị trường căn hộ Tp.HCM các quý tới đây sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng dịch chuyển mạnh. Trong đó, giá mở bán mới dự kiến tiếp tục tăng dưới áp lực thiếu hụt quỹ đất và chi phí vật liệu xây dựng leo thang. Mức giá tăng khiến nguồn cầu đang dần chuyển dịch ra xa khu vực trung tâm với giá cả hợp túi tiền hơn. Xu hướng này ngày càng rõ nét trong bối cảnh thu nhập giảm sút do tác động của đại dịch.
Theo Batdongsan.com.vn, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá bất động sản tại Tp.HCM và Hà Nội vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, giá chào bán chung cư tại Tp.HCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.
Lý giải việc giá bất động sản vẫn có xu hướng tăng trong khi giao dịch giảm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính khiến giá nhà, đất leo thang. Hiện nay một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá.
Theo đơn vị này, dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào bất động sản trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến 75%.
Các tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà tập trung vào chứng khoán. Nhưng sau đó dòng tiền sẽ lại quay trở về với bất động sản. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào bất động sản, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn.
Đất ngoại thành Hà Nội rục rịch tăng giá
Nhiều nhà đầu tư, môi giới bất động sản đã tìm đến các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn để tìm hiểu về đất đai.
Theo Nhịp sống kinh tế/CafeF