Đế chế mì Hảo Hảo và cổ đông người Việt duy nhất tại Acecook Vietnam
Sau thông tin mì Hải hảo bị cơ quan an toàn thực phẩm Ireland ra thông báo thu hồi vì có chứa chất cấm sử dụng ở châu Âu, gây hại sức khỏe người dùng, nhiều người quan tâm ai đang là chủ mì Hảo Hảo?
Thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường tỷ đô đối với các sản phẩm mì ăn liền. Cho đến nay, các sản phẩm của Acecook Việt Nam (Vina Acecook) vẫn có vị trí vững chắc trên thị trường nhờ thói quen ăn mì gói của người Việt.
Cả nước hiện có hơn 50 doanh nghiệp đang tham sản xuất mì gói, nhưng hơn 70% thị phần đang nằm trong tay 3 đại gia Acecook, Masan và Asia Foods. Theo số liệu năm 2017, Acecook Việt Nam chiếm lĩnh 50% thị phần mì ăn liền, trong khi Masan đứng thứ hai với 25% thị phần.
Ngoài Hảo Hảo, nhãn hiệu mì “quốc dân” đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt hơn 20 năm qua, các sản phẩm mì ăn liền của Acecook lên tới con số hàng chục với các loại thực phẩm sợi như miến, bún ăn liền.
Từ một nhà máy ban đầu tại TP.HCM vào năm 1995, đến nay Acecook Việt Nam đã sở hữu 11 nhà máy trên cả nước, bao gồm: 03 nhà máy tại TP.HCM, 02 nhà máy tại Bình Dương, 02 nhà máy tại Vĩnh Long, 01 nhà máy tại Đà Nẵng, 02 nhà máy tại Bắc Ninh, và 01 nhà máy tại Hưng Yên.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, Acecook Việt Nam cũng có đến 8 chi nhánh với hơn 300 đại lý trên toàn quốc và xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia.
Liên doanh Vifon Acecook được thành lập năm 1993 theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và đối tác Việt Nam là Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, khi ấy trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Sau khi ra mắt nhãn hàng Hảo Hảo, chỉ trong vòng 3 năm, năm 2003 Vifon Acecook hoàn thiện hệ thống nhà máy từ Nam ra Bắc với 11 nhà máy như đã nói trên.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là khi đang ăn ra làm nên, không hiểu vì lý do gì mà năm 2002 Vifon thoái vốn khỏi liên doanh, Vifon Acecook trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Năm 2008, Công ty TNHH Acecook Việt Nam đổi tên thành Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam và vẫn giữ tên này cho đến ngày nay.
Dù đổi tên gọi, nhưng Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam vẫn là một thành viên của Tập đoàn Acecook (Nhật Bản). Cho đến nay, liên doanh này có vốn điều lệ 298,4 tỷ đồng, cổ đông của Acecook Việt Nam chỉ có 3 thành viên gồm: Acecook Co., Ltd (Nhật Bản) sở hữu 57%; Marubeni Foods Investment Asia (Hà Lan) sở hữu 18%.
Doanh nhân Hoàng Cao Trí, cổ đông cá nhân duy nhất tại Vina Acecook. |
Điều bất ngờ là cổ đông còn lại, cũng là cổ đông cá nhân duy nhất lại chính là một người Việt Nam, doanh nhân Hoàng Cao Trí (sinh năm 1964), nắm giữ 25% cổ phần tại Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.
Ông Hoàng Cao Trí vốn xuất thân là một kỹ sư cơ điện của Vifon. Năm 1993, khi Vifon Acecook được thành lập, ông Trí được cử tham gia liên doanh và trở thành Phó Tổng Giám đốc liên doanh này, rồi gắn bó với Acecook Việt Nam suốt từ đó đến nay.
Ngày 20/8, trên trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thương hiệu mỳ ăn liền Good và Hảo Hảo.
Theo FSAI, một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa ethylene oxide. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Người tiêu dùng ăn phải chất này không có nguy hiểm cấp tính nhưng có thể gặp vấn đề sức khoẻ nếu ăn phải ethylene oxide trong một thời gian dài. Cơ quan này cảnh báo cần hạn chế tối đa tiếp xúc với chất này.
Hiện chưa thấy Acecook Việt Nam lên tiếng phản hồi về chất lượng lô hàng này cũng như về các sản phẩm mì Hảo Hảo đang bán tại Việt Nam.
Hiền Anh