Vietcombank bất ngờ thông báo miễn phí chuyển tiền từ ngày 1/1/2022
Thực tế việc cạnh tranh về phí đã giúp các ngân hàng thu hút được lượng khách hàng cá nhân, từ đó đẩy mạnh kênh ngân hàng số và lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhà băng, nhằm giúp hạ chi phí vốn.
Ngân hàng Vietcombank vừa bất ngờ thông báo, kể từ ngày 1/1/2022, ngân hàng sẽ miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch chuyển tiền trên kênh ngân hàng số VCB Digibank cho các khách hàng cá nhân.
Cùng với đó, Vietcombank sẽ miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý 1 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank.
Thông tin này gây bất ngờ cho không chỉ các ngân hàng khác mà còn bất ngờ cho chính những khách hàng của Vietcombank. Hiện tại, các loại phí duy trì dịch vụ và chuyển tiền trên VCB Digibank (chưa bao gồm VAT) gồm: Phí quản lý tài khoản mặc định trên VCB Digibank là 2.000 đồng/tháng; phí duy trì dịch vụ VCB Digibank 10.000 đồng/tháng, phí chuyển tiền trong hệ thống VCB từ 2.000 – 5.000 đồng/giao dịch; Phí chuyển tiền nhanh 24/7 khác hệ thống từ 5.000 – 1.000.000 đồng/giao dịch; phí chuyển tiền nhanh 24/7 qua thẻ trên VCB Digibank từ 5.000 đồng/giao dịch đến 0,02% giá trị giao dịch.
Những loại phí duy trì dịch vụ và phí chuyển tiền trên VCB Digibank này sẽ được Vietcombank miễn phí từ ngày 1/1/2022. |
Cũng kể từ 1/1/2022, Vietcombank thực hiện điều chỉnh cơ chế tính phí duy trì dịch vụ SMS. Theo đó, mức phí cố định hiện tại 10.000 đồng/tháng/số điện thoại sẽ được điều chỉnh theo số lượng tin nhắn trong tháng: Dưới 20 tin nhắn: 10.000 VNĐ/tháng/số điện thoại; Từ 20 đến dưới 50 tin nhắn: 25.000 VNĐ/tháng/số điện thoại; Từ 50 đến dưới 100 tin nhắn: 50.000 VNĐ/tháng/số điện thoại; Từ 100 tin nhắn trở lên: 70.000 VNĐ/tháng/số điện thoại.
Vietcombank điều chỉnh phí duy trì dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS. |
Ngoài ra, cũng từ 1/1/2022, Vietcombank chính thức dừng dịch vụ đăng ký mới các gói tài khoản dành cho khách hàng cá nhân, bao gồm VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced. Đối với các khách hàng đã đăng ký và đang sử dụng các gói tài khoản này, Vietcombank tiếp tục cung ứng dịch vụ, đồng thời áp dụng chính sách miễn phí gói tài khoản và không yêu cầu số dư tối thiểu trên tài khoản.
Vietcombank vốn được biết đến là ngân hàng tận thu và tính phí đắt đỏ nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Theo báo cáo tài chính của Vietcombank, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu nhập từ hoạt động dich vụ (trong đó có các loại phí kể trên) của ngân hàng này là 7.214 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước Vietcombank, giữa năm 2021, Agribank và BIDV đã công bố chính sách tương tự này. Trong khi một loạt các ngân hàng khác đã miễn phí chuyển khoản từ nhiều năm trước. Điển hình như Techcombank với chính sách zero fee hay mới đây là VPBank, MB và TPBank.
Cuộc cạnh tranh giành giật thị phần bằng chiêu miễn phí chuyển tiền vốn đã được các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh thực hiện từ một vài năm trước. Những ngân hàng tiên phong trong việc miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống khi giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử là Techcombank, VPBank, VIB, MSB, MB, TPBank. Ngoài ra, một số ngân hàng còn miễn phí rút tiền tại ATM hoặc duy trì mức phí cạnh tranh.
Thực tế việc cạnh tranh về phí đã giúp các ngân hàng thu hút được lượng khách hàng cá nhân, từ đó đẩy mạnh kênh ngân hàng số và lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhà băng, nhằm giúp hạ chi phí vốn.
Tỷ lệ CASA và chi phí vốn tại các ngân hàng quý 3/2021. Nguồn: VCBS. |
9 tháng đầu năm nay, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 870 nghìn khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 59,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ CASA đạt 49% tại thời điểm 30/9/2021, cao nhất hệ thống ngân hàng, tăng so với mức 46,1% của quý 2/2021.
Tại MB, trong 9 tháng đầu năm 2021, quy mô CASA tăng thêm 34.557 tỷ đồng, nâng tỷ lệ CASA lên 37,1%, tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2020.
Với MSB, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm 30/09/2021 đạt 29.254 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 31,09% trên tổng tiền gửi và ký quỹ.
Còn tại VCB, tỷ lệ CASA đang tăng lên, đạt 34,3% vào cuối quý 3/2021. Số dư CASA tăng 9% so với quý trước đạt 380 nghìn tỷ đồng. Ngoài yếu tố mùa vụ, đây cũng là kết quả của các gói phí thanh toán được triển khai từ quý 3/2020.
Theo báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 vừa được VCBS phát hành, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng lên 20,1% vào quý 3/2021 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm sâu xuống mức không còn đủ hấp dẫn cùng với việc các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản sôi động thu hút một lượng lớn dòng tiền.
Hơn nữa, nhu cầu tăng thanh khoản trong bối cảnh các thị trường đầu tư tài sản sôi động đã thúc đẩy thêm một phần lớn tiền gửi kỳ hạn dài đã được chuyển qua tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn ngắn có mức lãi suất thấp hơn, do đó càng góp phần làm chi phí vốn huy động của các ngân hàng giảm thêm.
VCBS cho rằng rằng xu hướng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, khiến cho tỷ lệ CASA toàn ngành tiếp tục tăng lên.
Ngân Giang
Doanh thu nhiều ngân hàng bất ngờ tăng mạnh nhờ phân phối bảo hiểm, 3 'ông lớn' ngân hàng được gọi tên
Bảo hiểm nhân thọ phân phối qua kênh ngân hàng (bancassurance) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu dịch vụ của các ngân hàng trong thời gian gần đây. Theo đó, nhiều ngân hàng có doanh thu từ phân phối bảo hiểm lên hàng nghìn tỷ đồng.