Mùa thu hoạch chuột đồng, cả tấn chuột ùn ùn đổ về phố lớn
Chuột đồng bẫy được từ Nghệ An trở ra chủ yếu được bán cho các nhà hàng ở Hà Nội, Hưng Yên… từ 50.000-70.000 đồng/kg, tại miền Tây, mỗi ngày có từ 3 - 5 tấn chuột làm thịt bán vào quán nhậu miền Tây, TP.HCM và cả ra Bắc
Thu tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề... "rình" chuột
Khoảng gần 1 tháng nay, nhiều người dân ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) rong ruổi khắp các cánh đồng để săn bắt chuột đồng.
Đào hang bẫy chuột |
Thời điểm này vừa thu hoạch xong vụ mùa nên đây là thời điểm thích hợp để săn chuột đồng nên nhiều người tranh thủ đi “săn” để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Kinh nghiệm của dân “săn” chuột ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) là mùa này sẵn chuột đồng nhất trong năm. Người săn chuột đồng tìm những cánh đồng vừa mới thu hoạch lúa mùa xong, lúc này đàn chuột tập trung về ăn lúa chưa kịp chuyển đi, hoặc là những bờ ruộng có nhiều hang, lỗ hổng thì ở chỗ đó chuột sống nhiều nhất.
Không cần đào phá nhiều, chỉ cần khoét một hố nhỏ rồi chờ thời cơ đến là bắt được cả yến, thậm chí cả tạ chuột. Nên người nào có kinh nghiệm săn chuột lâu năm sẽ kiếm kha khá, Tuy đây là nghề phụ nhưng nguồn thu nhập khá cao, có ngày bắt được gần chục kg chuột đồng, bán được khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Nếu chăm chỉ thì cả tháng người săn kiếm được trên dưới chục triệu đồng
Chuột đồng bẫy được chủ yếu được bán và nhập cho các nhà hàng ở các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên… với giá dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg, nếu chuột được làm sạch thì có giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Chuột đồng được coi là món đặc sản đối với nhiều người. Tùy vào sở thích mỗi người mà thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như: chuột hấp rắc lá chanh, chuột xào sả ớt, chuột nấu giả cầy, chuột nướng…
Sau khi thu hoạch lúa mùa xong, chuột thường đào hang ẩn núp dười các bờ ruộng |
Không riêng gì ở Nghệ An, ở một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… vào thời điểm hết vụ thu hoạch lúa mùa là người dân tỏa ra đồng săn chuột.
Vào những ngày đầu tháng 10, nếu ai về qua xã Xuân Phong (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đều bắt gặp ngay dưới gốc cây gạo đầu làng là 1 “chợ chuột” thu nhỏ của người dân xóm Vạn Lộc. Xóm duy nhất của xã có người “săn” chuột đồng để bán.
Nơi nay chỉ bán mỗi 1 món đó là món chuột đồng thui rơm kèm gia vị chế biến món chuột. Hơn chục chiếc mẹt bày đẫy những con chuột đã làm sạch, thui rơm chín, căng tròn khiến nhiều người qua đường phải dừng lại ngó nghiêng. Chợ bán từ cuối giờ chiều đến sẩm tối.
Món chuột đồng được nhiều người thích vì loài vật này sống tự nhiên, thịt rất thơm ngon. |
Theo người bắt chuột ở xóm Vạn Lộc thì rất nhiều người “nghiện” món chuột đồng vì loài vật này sống tự nhiên, lại chỉ ăn cây cỏ, thóc lúa và khoai sắn nên thịt chuột rất thơm ngon.
Chuột thui chín được mổ bỏ ruột, hạch ở sau tai và hai bên đùi chỉ còn phần thịt nạc và lớp da giòn quyện mùi khói rơm nếp, từ đó có thể xào lăn, chiên giòn, nấu rau... Người bán đã làm sạch, bán kèm các gia vị phù hợp kể cả chế biến sẵn, người mua về chỉ cần làm nóng lại là ăn được.
Cả xóm Vạn Lộc có gần 100 hộ theo nghề bắt chuột lúc nông nhàn. Trung bình thu nhập của các hộ dân làm nghề bắt chuột lúc vào mùa khoảng 500.000 đồng/ngày.
Ở Hải Dương, giá chuột đồng vào vụ có nhỉnh hơn, khoảng từ 120.000 – 130.000 đồng/kg. Một số thợ “săn” chuột nơi đây cho biết, mỗi ngày bắt được hàng chục ki lô gam chuột đồng. Chuột thường được bán cho thương lái hoặc người dân quanh vùng.
Săn chuột đồng ở miền Tây (ảnh báo NNVN) |
Chợ "độc" chỉ bán chuột ở miền Tây
Không riêng gì các tỉnh ngoài Bắc, ở các tỉnh miền Tây mùa này cũng đang là mùa săn chuột đồng. Miền Tây hiện đang là mùa nước nổi, khi các cánh đồng phủ một màu trắng xóa là thời điểm các hoạt động mưu sinh diễn ra hết sức sôi nổi và nhộn nhịp trong đó có nghề săn bắt chuột đồng.
Vào mùa nước nổi, khi các cánh đồng đều bị ngập nước, chuột không còn nơi để trú ẩn nên thường dồn lên các gò cao để sinh sống. Do vậy, việc săn bắt rất dễ dàng với số lượng nhiều hơn.
Khác với cách săn chuột của người miền Bắc, “thợ” chuyên săn chuột đồng miền Tây có cách săn chuột khá độc đáo là giậm cù.
Những người thợ săn chuột ở miền Tây cho biết, mỗi ngày họ đặt bắt khoảng 10-15kg chuột, sau đó bán cho thương lái với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.
Săn chuột đồng mùa nước nổi (ảnh báo NNVN) |
Thịt chuột đồng ở miền Tây Nam Bộ đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng và quán sá giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Những ngày cuối năm, người dân đi săn chuột kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Trước đây việc săn bắt chuột ít được người dân chú ý, nhưng hiện nay họ săn bắt quanh năm. Vì thế ở miền Tây, có hẳn 1 chợ chuột lớn, đó là chợ Phù Dật ở xã Bình Long (huyện Châu Phú, An Giang). Chợ này vừa là điểm tập kết tiêu thụ chuột đồng trong nước và cả chuột từ Campuchia mang qua bán.
Chợ có hẳn những người chuyên làm thịt chuột, được trả công mỗi ngày từ 50.000 - 100.000 đồng (tùy theo công việc). Phụ nữ, trẻ em phụ trách việc làm thịt chuột, cánh nam giới lo vận chuyển, khuân vác... nhờ vậy ai cũng có công ăn việc làm.
Chợ chuột sôi động nhất từ 5 - 9 giờ sáng, mỗi ngày có từ 3 - 5 tấn chuột được thu mua làm thịt để tiêu thụ cho các nhà hàng và quán nhậu ở các tỉnh miền Tây, TP.HCM và cả chuyển ra miền Bắc.
Chợ chuột Phù Dật ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) nằm gọn trên ấp Bình Chiến, trong ấp có khoảng 600 hộ thì có trên 200 hộ sống bằng nghề săn bắt, làm thuê và kinh doanh chuột.
Nhiều người nhờ đi bẫy chuột đồng mà có tiền xài, khỏi đi xa kiếm sống vất vả, đồng thời nhiều hộ buôn bán, cung cấp đi khắp nơi cả tấn thịt chuột mỗi ngày cũng có thu nhập đủ cho gia đình có cuộc sống sung túc.
PV (t/h)
Ði "săn" cá đồng
Khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhuộm đỏ những dòng sông, cũng là lúc các loài cá đồng bước vào thời điểm sinh sôi nhiều nhất trong năm. Lúc đó, nhiều người bắt đầu vào mùa “săn” cá đồng để thưởng thức hoặc đem ra bán chợ.