Giá thịt lợn tăng cao, Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống
Giá thịt lợn trong nước liên tục tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam.
Giá lợn tăng kỷ lục, dân không dám ăn, tiểu thương tạm nghỉ bán vì ế ẩm
Những ngày gần đây, giá thịt lợn tăng kỷ lục khiến lượng tiêu thụ trên thị trường ế ẩm, lượng hàng bán ra giảm hơn phân nửa so với trước. Vì thế, một số tiểu thương đã “dựng phản” tạm nghỉ bán chờ qua đợt ‘bã' giá.
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam. Theo đó, Bộ NN&PTNT đồng ý phương án Cục Thú y phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để trao đổi những vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam. Ảnh minh họa |
Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và thực hiện cách ly kiểm dịch 30 ngày.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy trình và trình tự hiện hành.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đây là lần đầu tiên nước ta cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống.
Theo Thứ trưởng, Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, giá thịt lợn trong nước liên tục tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Việc nhập khẩu lợn sống sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng nhập ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước.
Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, để tìm các giải pháp bình ổn thịt lợn Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và tìm hiểu một số thị trường, trước mắt có thể nhập lợn từ Thái Lan. Khi lợn về tới cửa khẩu của Việt Nam sẽ được cách li, lấy mẫu kiểm dịch.
Bộ NNPTNT cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường nhập khẩu lợn giống nhằm phục vụ tăng đàn và tái đàn. Việc nhập khẩu lợn nái hậu bị nói chung và lợn giống là không hạn chế, không hạn ngạch.
Trước đó, vào ngày 26/5, Bộ NN&PTNT cho biết, theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Diệu Thùy