Đại gia từng chiếm số 1 thị phần bê tông bị ngân hàng rao bán nợ
Vietcombank TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá quyền thu hồi khoản nợ có tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Beton 6 (mã chứng khoán: BT6).
Khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Beton 6 tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM được xử lý qua hình thức bán đấu giá Quyền thu hồi khoản nợ vay.
Tính đến hết ngày 31/7/2022, khoản nợ vay của Công ty cổ phần Beton 6 tại Vietcombank TP.HCM có tổng dư nợ 103,382 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 63,771 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 27,367 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn 12,243 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ trên được Vietcombank đề xuất là 63,771 tỷ đồng, bằng đúng số nợ gốc mà Beton 6 đã vay. Như vậy, ngân hàng chấp nhận mất toàn bộ số tiền lãi doanh nghiệp còn nợ, chỉ mong thu hồi lại phần vốn đã giải ngân.
Đây là khoản nợ phát sinh từ hợp đồng tín dụng được ký ngày 28/4/2016. Tuy nhiên, sau khi Công ty cổ phần Beton 6 nộp đơn lên Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu mở thủ tục phá sản vào ngày 19/12/2019, đến ngày 16/1/2020 Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương ra phán quyết về tài sản đảm bảo gồm:
Quyền tài sản là các khoản phải thu của Công ty cổ phần Beton 6, máy móc thiết bị thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo Hợp đồng thế chấp quyền tài sản được ký kết giữa Vietcombank chi nhánh TP.HCM với Công ty cổ phần Beton 6.
Từng là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán khá sớm (năm 2002) với mã BT6, cơ cấu cổ đông của BT6 thường xuyên có sự góp mặt của các tổ chức trong nước và quốc tế như AM Fraser Securities, MayBank Kim Eng Securities, Golden Trinity Assets, Commerzbank (South East Asia), Mutual Fund Elite, Tổng công ty Công trình giao thông 6, Công ty TNHH Mascon, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và Xi măng HB, CTCP Xây dựng đầu tư HB, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Tân Việt,…
Tuy nhiên, “ông lớn” một thời nắm giữ thị phần số 1 về bê tông các tỉnh phía Nam nhanh chóng bị "định đoạt số phận" sau khi nhóm cổ đông Kusto Group và Bình Thiên An, với đại diện là ông Trịnh Thanh Huy nắm quyền điều hành BT6 từ năm 2009.
Năm 2006, ông Huy tham gia thành lập Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương (quận 2, TPHCM) và Kusto Group.
Sau khi thâu tóm BT6, với tỷ lệ nắm giữ lên đến 79% cổ phần, năm 2015 nhóm cổ đông của ông Trịnh Thanh Huy quyết định huỷ niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE để tái cơ cấu các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực chất việc này được cho là để rút vốn khỏi doanh nghiệp khi giá cổ phiếu BT6 trên thị trường đang ở mức rất thấp.
Sau khi huỷ niêm yết trên sàn, kết quả kinh doanh của BT6 liên tục lao dốc trong các năm tiếp theo. Báo cáo tài chính 2016 cho thấy, dù doanh thu đạt 955 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của BT6 chỉ vỏn vẹn 4,3 tỷ đồng (năm 2015 là 145 tỷ đồng).
Cuối năm 2019, Beton 6 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương do bị mất khả năng thanh toán và không có khả năng để thanh toán các khoản nợ đến hạn cho các chủ nợ là tổ chức tín dụng và nhà cung cấp, đối tác. Đến ngày 16/1/2020, Tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản với Beton 6.
BT6 có vốn điều lệ 329 tỷ đồng. Sản phẩm chính của công ty gồm dầm cầu, dầm giao thông nông thôn, cọc bê tông các loại.
Báo cáo thường niên năm 2021 của công ty cho thấy năm 2021 BT6 chỉ đạt 46,56 tỷ đồng doanh thu, lỗ sau thuế 82 tỷ đồng. Số lượng CBNV từ hàng nghìn người thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn lại 105 người vào cuối năm 2021. Thu nhập bình quân của người lao động chỉ 8,17 triệu đồng/người/tháng (giảm mạnh 32% so với năm 2020).
Ngân Giang
Ngân hàng tiếp tục rao bán tài sản của Vinaxuki
Các ngân hàng cho Vinaxuki vay vốn nhưng đều có chung một cái kết là lâu lâu lại rao bán tài sản thế chấp để thu hồi khoản nợ.