Mặc cam kết của CEO Bách Hóa Xanh, chuỗi lại bị khui bán hàng quá date, không niêm yết giá
Mặc cho CEO Trần Kinh Doanh của Bách Hóa Xanh đã cam kết sẽ tuân thủ nghiêm theo các quy định nhưng nhiều cửa hàng BHX vẫn tái diễn vi phạm về việc bán hàng quá date và không niêm yết giá
Mặc dù CEO của Bách Hóa Xanh đã cam kết sẽ tuân thủ nghiêm theo các quy định trong việc bán hàng nhưng liên tiếp nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) vẫn liên tục vi phạm.
Mới đây nhất, vào trưa 3/9, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT Ninh Thuận) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng BHX Ninh Thuận số 2 (Chi nhánh Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh) có địa chỉ tại số 298, đường 21/8 (phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận).
Sau khi kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện cửa hàng BHX này đang bày bán nhiều mặt hàng tiêu dùng không niêm yết giá trên sản phẩm theo quy định.
Cụ thể là các mặt hàng: Gạo, bánh kẹo, bột ngọt, dầu ăn, ngũ cốc, gia vị, mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước xả vải… Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, xử lý theo quy định.
Trước đó, vào ngày 12/8, Đội QLTT số 1 cũng đã kiểm tra đột xuất cửa hàng Bách Hóa Xanh Ninh Thuận số 1 và cũng đã xử phạt về hành vi ghi nhãn không đầy đủ theo quy định pháp luật.
Hàng hóa tại cửa hàng BHX Ninh Thuận số 2 không niêm yết giá bán theo quy định. |
Trước đó, vào thời điểm giữa tháng 7/2021, đúng lúc TP.HCM đang “nóng” vì dịch Covid-19. Đó là khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội và chuỗi cung ứng thực phẩm tại TP này bị đứt gãy do những yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh thì bất ngờ hệ thống cửa hàng BHX lại thông tin tăng giá bán một số mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả.
Lý giải cho sự tăng giá này, BHX cho biết do thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng BHX tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, cộng thêm giá xăng tăng và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao, do đó phải điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định.
Kèm theo đó, BHX khẳng định rằng, “không có chủ trương tăng giá để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh”. Thế nhưng, giải thích này của BHX không được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều người tiêu dùng cho rằng BHX đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá, thu lợi bất chính.
Vào khoảng giữa tháng 7/2021, giá hành lá tại cửa hàng BHX ở TP.HCM được niêm yết 50.000 đồng/kg. |
Sự việc này ngay sau đó đã được cơ quan QLTT TP.HCM vào cuộc kiểm tra. Sau khi làm việc với 75/641 cửa hàng BHX tại TP Thủ Đức và 11 quận, huyện khác trên địa bàn TP, cơ quan QLTT TP.HCM đã đưa ra kết luận rằng, các cửa hàng BHX chấp hành quy định về niêm yết giá hàng hóa theo quy định và bán đúng giá niêm yết. Đảm bảo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thế nhưng, ngay sau đó, khi vụ việc BHX ở TP.HCM tăng giá hàng thiết yếu giữa mùa dịch chưa kịp lắng xuống thì hàng loạt thông tin về cửa hàng BHX ở Đắk Lắk, Sóc Trăng, Bình Phước,… bị xử phạt khiến dư luận cũng như người tiêu dùng đặt dấu hỏi đối với chuỗi cửa hàng này.
Tại cửa hàng BHX ở Ninh Thuận, hàng hóa không niêm yết giá bán theo quy định. |
Việc liên tiếp để xảy ra vi phạm tại hệ thống chuỗi cửa hàng BHX ở nhiều địa phương khiến dư luận đặt câu hỏi, lời cam kết của SEO Bách Hóa Xanh ở trên có giá trị không?
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) ghi nhận kỷ lục mới của chuỗi với mức doanh thu gần 4.240 tỷ đồng trong tháng 7, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, một kỷ lục mới của BHX (trong khi kỷ lục mới thiết lập trong tháng 6 là 1,4 tỷ đồng) nhờ vào việc đóng cửa các chợ đầu mối và chợ truyền thống tại TP.HCM. Như vậy, BHX ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỷ đồng cho lũy kế 7 tháng năm 2021, tăng 57% so với cùng kỳ. Hiền Anh
Hải Yến
Chủ tịch Bách Hóa Xanh 'bốc hơi' 737 tỷ sau vụ bán hành lá, củ gừng giá 'chát'
Sau chuỗi những phiên tăng giá ấn tượng kể từ đầu tháng 7, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã phải chịu áp lực giảm giá mạnh nhất trong vòng 5 tháng gần đây.