Ấn Độ tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Ấn Độ tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng, sẽ làm giảm nhu cầu vàng vật chất ở quốc gia này, qua đó tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới.
Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, đã bất ngờ tăng thuế nhập khẩu vàng từ 7,5% lên 12,5%.
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã điều chỉnh giảm dần từ mức 1.840USD/oz. Đặc biệt trong phiên cuối tuần này, giá vàng đã giảm mạnh xuống mức 1.784USD/oz, sau đó phục hồi và đóng cửa ở mức 1.808USD/oz.
Tuy nhiên tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC lại có xu hướng tăng giá nhẹ khi tăng từ mức 68,5 triệu đồng/lượng lên mức 68,85 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng miếng SJC biến động trái chiều với giá vàng quốc tế vẫn thường xảy ra khi thị trường vàng Việt Nam đã không liên thông với thị trường vàng quốc tế trong nhiều năm qua.
Sở dĩ giá vàng quốc tế giảm mạnh ở phiên cuối tuần do một số nguyên nhân. Thứ nhất, USD tiếp tục tăng mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác do các nhà đầu tư kỳ vọngFED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suấttừ nay đến cuối năm 2022. USD Index đã có thời điểm tăng lên trên 105 điểm trong cuối tuần này- mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Chủ tịch FED Powell cho biết FED sẽ phải tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, dù điều này có khả năng gây ra một cuộc suy thoái kinh tế. “Có rủi ro nào mà chúng tôi sẽ đi quá xa không? Chắc chắn là có rủi ro. Nhưng đó không phải là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Sai lầm lớn hơn sẽ mắc phải là không kiểm soát được giá cả hàng hóa ", ông Powell chia sẻ trong một Diễn đàn chính sách tiền tệ tại Sintra, Bồ Đào Nha.
Ngoài ra, USD tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị, địa kinh tế ở nhiều khu vực leo thang, đặc biệt là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng.
Thứ hai, Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, đã bất ngờ tăng thuế nhập khẩu vàng từ 7,5% lên 12,5% nhằm giảm thâm hụt thương mại và hỗ trợ cho đồng Rupee vốn đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Trên thực tế, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Việc tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng sẽ khiến giá bán vàng ở Ấn Độ tăng mạnh, làm giảm thu cầu tiêu thụ vàng ở quốc gia này, dù Ấn Độ đã bắt đầu bước vào mùa lễ hội.
Năm 2021, Ấn Độ tiêu thụ khoảng 611 tấn vàng. Tuy nhiên với việc tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng, lượng vàng tiêu thụ của quốc gia này trong năm 2022 có thể sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2021.
Nhu cầu vàng vật chất vốn đang ở mức thấp, nay chịu thêm cú sốc từ việc tăng thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ, sẽ càng giảm mạnh hơn, nhất là khi Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, vẫn đang kiên định mục tiêu zero- Covid, khiến nhu cầu vàng giảm mạnh.
“Nhu cầu vàng vật chất vốn là trụ đỡ cho giá vàng, nhưng nay suy giảm, sẽ khiến giá vàng có thể tiếp tục điều chỉnh, tích lũy, chưa thể bứt phá tăng mạnh trở lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá vàng trong trung và dài hạn vẫn đang được duy trì”, ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập nhận định và cho biết thêm, nếu giá vàng tuần tới giảm xuống dưới 1.780USD/oz, thì có thể sẽ giảm tiếp xuống 1.730 USD/oz. Ngược lại, nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên 1.780USD/oz, thì sẽ phục hồi lên vùng 1.845USD/oz; vượt qua mức này, giá vàng tuần tới sẽ còn tăng cao hơn.
Giá vàng tuần tới có thể tiếp tục điều chỉnh, tích lũy
Trong khi đó, tại Châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tiếp tục tăng mạnh lên mức 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá lương thực và năng lượng tăng mạnh. Lạm phát khu vực này có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa, nếu các quốc gia trong khu vực không kịp thời đưa ra các biện pháp kiểm soát giá nhiên liệu và cước vận tải. Lạm phát tăng mạnh sẽ củng cố cho kỳ vọng NHTW Châu Âu (ECB) sẽ tăng 25 điểm lãi suất cơ bản trong tháng 7 và thêm 50 điểm lãi suất cơ bản vào tháng 9 tới. Điều này sẽ góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất so với Mỹ, có thể sẽ giúp EUR phục hồi so với USD, qua đó phần nào hỗ trợ cho giá vàng.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 6. Theo đó, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) dự báo chỉ đạt 275.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng so với kỳ trước (3,6%). Nếu dự báo này là xác thực, thì FED có thể sẽ phải giảm mức độ tăng lãi suất cơ bản, hỗ trợ cho giá vàng tuần tới phục hồi. Ngược lại, nếu NFP tăng mạnh hơn nhiều so với dự kiến, sẽ làm tăng kỳ vọng FED tăng mạnh lãi suất, khiến giá vàng tuần tới chịu thêm áp lực điều chỉnh giảm.
Giá vàng khó trở lại mốc 70 triệu đồng
Sau khi rơi khỏi vùng 69 triệu/lượng, triển vọng tăng của giá vàng miếng SJC trong nước đang kém tích cực khi giá vàng thế giới dự báo vẫn duy trì trạng thái trung lập.
Theo DDDN