Bất động sản Đà Nẵng: Hết thời gọi cắt lỗ là khách ào đến, giờ giảm sâu vẫn ế
Là một nhân viên môi giới bất động sản lâu năm ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, thông thường vào thời điểm gần cuối năm này thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ rất sôi động thì năm nay trái ngược hoàn toàn, thị trường rất trầm lắng, gần như “đóng băng” ở các phân khúc.
“Giao dịch mua bán rất ít, những người mua là những người có nhu cầu mua thật sự, còn giới đầu tư thì không”, anh Tiến nói.
Theo anh Tiến, giá bất động sản thời điểm này đã giảm hơn so với đợt đầu năm, đất nền ở nhiều khu đô thị như Hoà Xuân, Nam Hoà Xuân, FPT… hiện giảm ở mức 300-500 triệu đồng/lô, nhưng cũng khó bán.
Ngoài ra, cũng có tình trạng chủ cần tiền, muốn bán nhanh nên giảm sâu, “sập hầm”.
“Vừa rồi có chủ đất gửi tôi lô đất, giá giảm 2 tỷ so với trước. Lô đất trước đây giá 12 tỷ thì nay chủ chấp nhận bán lỗ còn 10 tỷ. Nếu như năm ngoái và cách đây mấy tháng, khi có những lô đất có giá tốt, bán cắt lỗ, chỉ cần mình báo thì nhà đầu tư Hà Nội sẽ ôm hàng ngay. Còn thời điểm này các nhà đầu tư không mặn mà, mặc dù giá giảm so với trước nhưng không có người mua đầu tư”, anh Tiến cho hay.
Anh Minh, một nhân viên môi giới bất động sản ở quận Cẩm Lệ cho biết, thời điểm này người dân, doanh nghiệp đều giữ tiền mặt, không đầu tư bất động sản vì không có lời và rủi ro cao là nguyên nhân dẫn đến giao dịch ảm đạm.
“Đầu tư bất động sản hiện nay rất rủi ro, không giống như hồi xưa vì hiện nay lãi suất cho vay cao; chi phí hoa hồng, thuế má đều tăng; chưa kể vừa qua nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ do đầu tư chứng khoán; tình hình kinh tế khó khăn chung nên để nhà đầu tư xuống tiền là rất khó. Bỏ vào mấy tỷ mua đất nhưng chưa chắc bán được, giá chưa chắc lên, không hiệu quả bằng việc bỏ vào ngân hàng lấy lãi”, anh Minh nói.
“Ngày xưa, khách bỏ trăm tỷ mua bất động sản là bình thường, còn nay để họ bỏ 10 tỷ mua là khó lắm. Đa số những người này kinh doanh, họ vay nhiều, bất động sản lên thì họ đầu tư kiếm lợi nhuận còn bây giờ họ duy trì tiền mặt”, anh Minh nói thêm.
Theo anh Minh, thị trường đang khủng hoảng, cần thời gian nữa mới có thể kéo lại được tâm lý của nhà đầu tư. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, nhìn chung thị trường vẫn ảm đạm, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.
Theo báo cáo thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận quý 3/2022 được DKRA Group công bố, phân khúc đất nền trong quý 3/2022 có khoảng 13 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 998 nền, giảm 17,2% so với quý trước.
Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới ở mức trung bình, đạt khoảng 586 nền (chiếm tỷ lệ 59%) tăng khoảng 92,1% so với quý 2/2022. Đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất kể từ thời điểm đầu năm.
Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với giai đoạn mở bán trước đó. Thị trường thứ cấp khá trầm lắng, mặt bằng giá ghi nhận giảm đáng kể so với quý trước, mức giảm 3-5%.
Ở phân khúc căn hộ, trong quý 3/2022 có 3 dự án mở bán, tập trung toàn bộ tại Đà Nẵng, cung cấp ra thị trường khoảng 91 căn. Tỷ lệ tiêu thụ mới chỉ khoảng 43 căn (47%), giảm so với quý trước. Sức cầu chung thị trường cải thiện hơn so với cùng kỳ 2021 nhưng vẫn ở mức thấp. Trong đó căn hộ hạng A giữ vị trí chủ đạo khi chiếm 89% tổng nguồn cung. Giá bán căn hộ sơ cấp bình quân tăng 10-16% so với đầu năm do áp lực chi phí nguyên vật liệu, lạm phát, lãi suất… trong khi đó giao dịch trên thị trường thứ cấp duy trì ở mức thấp.
Phân khúc nhà phố, biệt thự ghi nhận 7 dự án mở bán, cung cấp thị trường 374 căn, tỷ lệ tiêu thụ mới đạt khoảng 47%, tương đương 177 căn.
Theo dự báo, thị trường bất động sản Đà Nẵng và các vùng phụ cận Thừa Thiên Huế, Quảng Nam trong những tháng cuối năm 2022 tiếp tục trầm lắng khi nhiều phân khúc vẫn khan hiếm nguồn cung.
Nguồn cung mới của phân khúc đất nền những tháng cuối năm dao động 700-800 nền, sức cầu chung toàn thị trường không có nhiều thay đổi.
Diệu Thuỳ