Thêu tay trên lá bồ đề, 9X Thanh Hoá kiếm chục triệu/tháng
Bén duyên với nghề thêu tay
Một mình ngồi ở phòng thêu trong căn nhà cấp 4 của gia đình, Lê Thị Kim Thoa (SN 1992) trú phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa đang tỉ mỉ thêu từng nét chỉ trên những chiếc lá bồ đề nhỏ xíu.
Kim Thoa chia sẻ, năm 2013 em tốt nghiệp chuyên ngành kế toán của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Suốt 5 năm ra trường, đi xin việc khắp nơi nhưng ở đâu cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nên Thoa không theo được nghề.
Vốn dĩ từ những năm học cấp 2, cấp 3, Kim Thoa đã có sở thích làm các đồ thủ công. Khoảng thời gian ở nhà do không xin được việc, Thoa tự mày mò học thêu trên vải.
“Thời gian đầu em cũng chỉ thêu trên những mảnh vải vì sở thích. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, em đăng lên trang Facebook cá nhân, các trang mạng xã hội. Nhiều người hỏi mua đã tạo động lực cho em theo đuổi nghề thêu này”, Kim Thoa chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm của Thoa ngày càng được mọi người biết đến. Bản thân em nghĩ, cần phải phát triển hơn nữa với nghề thêu. Chính vì vậy, năm 2018, Kim Thoa xin theo học lớp thêu của nghệ nhân Thu Cúc nổi tiếng.
Vốn có năng khiếu từ nhỏ, sau một năm tham gia lớp học thêu, Kim Thoa đã thành thạo và về nhà mở cơ sở thêu cho riêng mình. Sản phẩm thêu của Kim Thoa là thêu trên vải, trên áo, cài tóc, khuy áo...
Đến năm 2021, khi kỹ thuật thêu của mình đã thuần thục, Thoa thấy cô Thu Cúc thêu trên lá bồ đề nên tiếp tục “khăn gói” ra nhờ cô chỉ bảo.
“Thời điểm đó, sản phẩm thêu trên lá cây khá mới mẻ, thậm chí không có đầu ra. Cô Thu Cúc cũng không chú trọng vào sản phẩm này. Tuy nhiên vì đam mê nên em quyết tâm học để làm cái gì đó cho riêng mình”, Kim Thoa kể.
Thêu trên lá bồ đề rất khó, mất một năm trời học hỏi Kim Thoa mới có sản phẩm đầu tiên. Suốt năm đó, có những lúc Kim Thoa chán nản không theo đuổi nữa và bỏ lá bồ đề vào một xó.
Thêu trên lá bồ đề mang lại thu nhập cao
“Lá bồ đề phải là lá bánh tẻ (không non, cũng không già). Thời gian đầu em phải mất công đi chọn lá, sau đó về ngâm, luộc rồi dùng bàn chải chà cho hết chất diệp lục. Do không có kỹ thuật nên khâu làm lá toàn bị hỏng. Đến khi lấy được một vài lá, bắt tay vào thêu thì lá đứt gân… thậm chí có những đợt mất cả tuần trời em mới làm gần xong một sản phẩm thì lại hỏng, mất công cả tuần”, Kim Thoa chia sẻ.
Khi Kim Thoa thành công với tác phẩm đầu tiên thêu con chim vàng trên lá bồ đề, cô Thu Cúc đã hết lòng khen ngợi. Và chính tác phẩm này của 9X đã được cô Thu Cúc lấy cảm hứng để tiếp tục phát triển sản phẩm trên lá bồ đề ở cơ sở của cô.
“Em không có thời gian để đi chọn và xử lý lá bồ đề. Nên khi có khách hàng đặt em thường mua lại lá để thêu. Mới đây nhất có một khách hàng đặt hơn 20 lá để làm quà tặng cho người nước ngoài, em phải tập trung làm mất hơn một tháng mới xong”, Kim Thoa cho biết.
Thời gian để hoàn thiện một tác phẩm khoảng 1-7 ngày, tùy vào họa tiết của sản phẩm mà khách hàng đặt. Hiện mỗi tháng Kim Thoa nhận khoảng 20-30 đơn đặt hàng. Với giá bán từ 360.000 đồng đến 600.000 đồng/lá bồ đề nhỏ và khoảng 3-4 triệu đồng/lá bồ đề lớn mang lại thu nhập cả chục triệu đồng/tháng.
“Thời gian tới em sẽ tập trung hơn vào sản phẩm lá bồ đề, đồng thời sáng tạo thêm các tác phẩm như: chân dung người phụ nữ đồng bào dân tộc, các linh vật, trò chơi dân gian… Hiện cơ sở của em đào tạo cho hàng chục học viên, em mong muốn các bạn cũng sẽ phát triển được các sản phẩm riêng của mình”, Kim Thoa cho biết.