Theo Công ước Luật Biển, Việt Nam có liên quan đến vịnh lớn nào?
Trả lời:
Do bờ biển nước ta dài, tự nhiên đã ban cho Việt Nam cảnh quan biển vô cùng đẹp đẽ với nhiều hình thế bờ biển, đặc biệt có nhiều vịnh, vũng, đảo đẹp, nổi tiếng. Ở phía Bắc có Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, miền Trung có vịnh Lăng Cô, vịnh Đà Nẵng, Nam Trung Bộ có vịnh Cam Ranh.... Những hình thế nào là tiềm năng phát triển du lịch rất tốt.
Một góc Lăng Cô (ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, theo sách 100 câu hỏi đáp dành cho tuổi trẻ Việt Nam, của Ban Tuyên giáo Trung ương, những vịnh lớn được định nghĩa như sau:
Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 chỉ nêu định nghĩa chính thức đối với vịnh do bờ biển của một quốc gia hoặc nhiều quốc gia bao bọc. Khoản 2 điều 10 của Công ước quy định: “Vịnh cần được hiểu là một vùng lõm sâu rõ rệt vào đất liền mà chiều sâu của vùng lõm đó so sánh với chiều rộng ở ngoài cửa của nó đến mức là nước của vùng lõm đó được bờ biển bao quanh và vùng lõm đó sâu hơn là một sự uốn cong của bờ biển”.
Tuy nhiên, Công ước quy định vùng lõm đó chỉ được coi là Vịnh khi đáp ứng đủ hai điều kiện:
(1) Diện tích của Vịnh ít nhất cũng bằng diện tích một nửa hình tròn có đường kính là đường thẳng kẻ ngang qua cửa vào của vùng lõm. Diện tích của vùng lõm được tính giữa ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển của vùng lõm và đường thẳng nối liền các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của cửa vào tự nhiên. Nếu do các đảo mà một vùng lõm có nhiều cửa vào, thì nửa hình tròn nói trên có đường kính bằng tổng số chiều dài các đoạn thẳng cắt ngang các cửa vào đó. Diện tích của các đảo nằm trong một vùng lõm được tính vào diện tích chung của vùng lõm (khoản 3 điều 10).
(2) Đường khép cửa vào tự nhiên của cửa Vịnh không vượt quá 24 hải lý. “Nếu vượt quá 24 hải lý, thì được kẻ một đoạn đường cơ sở thẳng dài 24 hải lý ở phía trong Vịnh, sao cho phía trong của Vịnh có một diện tích nước tối đa” (khoản 5 điều 10).
Liên quan đến Việt Nam có hai vịnh lớn là: Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan ở Biển Đông.