Thể lệ, thời hạn cuộc thi viết thư quốc tế UPU 45 năm 2016
A. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC:
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong.
B. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA:
Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm :
- Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi.
- Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.
- Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
C. THỂ LỆ:
1 .Đối tượng: Tất cả học sinh Việt Nam từ 10 đến 15 tuổi (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2015-2016) đều được dự thi.
2. Quy định về bài thi:
- Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 1.000 từ.
- Các bài dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt.
- Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (bài đánh vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ).
- Ở góc trên cùng bên trái, ghi đầy đủ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình. Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
* Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi/địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi từng thư (thư thường) qua đường Bưu điện. Phong bì thư cần ghi rõ: Dự thi viết thư UPU 45-2016.
3. Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815
4. Thời gian: Từ ngày 14-10-2015 đến 10-2-2016 (theo dấu Bưu điện).
5. Một số yêu cầu:
- Không thành lập Ban Tổ chức và chấm chọn bài tại địa phương.
- Không bắt buộc 100% học sinh tham gia.
- Bản quyền các bài thi thuộc về Ban Tổ chức.
- Số hiệu: 112815 là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong.
D. GIẢI THƯỞNG:
1. Giải thưởng Quốc gia:
- Các thí sinh đoạt giải chính thức sẽ được công nhận Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn tương ứng.
- Các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
- Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và kèm hai người thân (phụ huynh và nhà trường) dự Lễ tổng kết và trao giải thưởng.
Giải cá nhân:
- 1 giải Nhất: 5.000.000đ; 3 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000đ; 5 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ; 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000đ.
- Các giải phụ: Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: 1.000.000đ; Giải dành cho thí sinh là người dân tộc:1.000.000đ; Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: 1.000.000đ.
Ban Tổ chức trao giải “Cây bút triển vọng” cho các thí sinh còn lại có bài vào vòng chung khảo. Giá trị giải thưởng là 500.000đ.
Giải tập thể:
Các trường có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba được nhận giải tập thể gồm: 1.000.000đ.
2. Giải thưởng Quốc tế:
Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự cuộc thi viết thư Quốc tế. Nếu đoạt giải, sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30 triệu đồng; Giải Nhì: 20 triệu đồng; Giải Ba: 15 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng. Ban Tổ chức sẽ đề nghị các đơn vị liên quan có hình thức khen thưởng phù hợp.
E. BAN TỔ CHỨC:
Trưởng ban: Ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phó trưởng ban:
- Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong.
- Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc – Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
- Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV- Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Và các ủy viên.
F. BAN GIÁM KHẢO:
Trưởng ban: Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Phó Trưởng ban: Nhà thơ Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong
Các ủy viên:
Ban chung khảo: Nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà biên kịch Vũ Quang Vinh, nhà thơ Nguyễn Đức Quang, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, nhà giáo Trần Thị Kim Dung, nhà thơ Hữu Việt.
Ban sơ khảo:Nhà báo Phạm Thành Long, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà văn Phong Điệp, nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, nhà báo Lưu Thị Hà, nhà giáo Nguyễn Thụy Anh, nhà giáo Nguyễn Thị Hậu.
Ban Tổ chức đề nghị các cấp, các ngành địa phương phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường, các em học sinh tham gia cuộc thi với chất lượng cao nhất.
BAN TỔ CHỨC CUỘC THI