Vì sao quy định đeo khẩu trang ngoài trời được xóa bỏ, người Singapore vẫn giữ thói quen cũ?
Trong khi nhiều người Singapore tận hưởng tiệc tùng, vui chơi ngoài trời mà không phải đeo khẩu trang vẫn có không ít người thận trọng duy trì thói quen cũ.
Lần đầu tiên trong vòng 2 năm, anh Ben Lim đi bộ từ nhà tới nhà ga mà không cần đeo khẩu trang vào ngày 22/3, giữa lúc Singapore cho xóa bỏ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt để thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19.
Việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hiện là phương án lựa chọn tùy cá nhân ở đảo quốc sư tử, nơi có 5,45 triệu dân sinh sống.
Singapore thay đổi quy định cho phép nhóm 10 người tụ tập. (Ảnh: Channel News Asia) |
“Đeo khẩu trang ngoài trời nắng nóng và độ ẩm cao khi xung quanh không có đám đông bên cạnh hiện là phương án không cần thiết, bởi nguy cơ bị lây nhiễm hay lan truyền virus corona hiện gần bằng 0”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nam công dân Singapore (34 tuổi).
Tuy nhiên, anh Lim cho hay bản thân vẫn tỏ ra thận trọng nên giữ thói quen đeo khẩu trang ở chỗ đông người.
Từ ngày 29/3, người dân Singapore có thể tụ tập theo nhóm 10 người thay cho quy định 5 người như trước đây. Lệnh cấm phục vụ và bán đồ uống có cồn sau 22h30 cũng sẽ được gỡ bỏ.
Ngoài ra, Singapore dự kiến điều chỉnh đơn giản hóa các quy định ở biên giới vào cuối tuần này để giúp hoạt động đi lại quốc tế trở nên dễ dàng hơn với những người đã tiêm vắc xin Covid-19. Singapore còn sắp tái mở cửa toàn bộ biên giới với Malaysia.
Dù chính phủ Singapore nhấn mạnh sẽ không thực hiện phương án “Ngày Tự do”, khi toàn bộ các quy định giới hạn được đồng loạt xóa bỏ. Song việc chấp nhận đeo khẩu trang là chuyện tùy ý đã đánh dấu mốc lớn sau 2 năm người dân Singapore được cho sống chung với những quy định phòng dịch vô cùng khắt khe.
Nhiều người dân Singapore không giấu nổi sự vui sướng khi cho rằng cuộc sống thường nhật như trước khi dịch Covid-19 xuất đang dần trở lại. Không ít người khoe video trên TikTok khi được tận hưởng thời gian thư giãn với bạn bè ở ngoài trời mà không cần đeo khẩu trang. Nhưng cũng có người cho biết họ duy trì thói quen đeo khẩu trang trong nhà để phòng dịch.
Như anh Darren (30 tuổi) cho biết bản thân mong chờ nhất là việc gỡ bỏ các quy định về sử dụng đồ uống có cồn. Do đó, anh có kế hoạch dành cả đêm ở quán bar sau 22h30 vào ngày 29/3 để “tận dụng toàn bộ sự tự do mới được tìm thấy”.
Để đón chào khoảnh khắc đáng nhớ, một số nhãn hàng cũng đã tung khuyến mại cho khách hàng như tặng đồ uống miễn phí trong vòng 1 phút vào lúc 22h30 cho khách hàng tới các quán bar được áp dụng chương trình.
Nhiều người vui mừng vi quy định giới hạn số người được tụ tập đã được tăng lên như gia đình cô Lesley Chew (40 tuổi). Trước đây, việc tụ tập cho gia đình gồm 11 thành viên của cô Chew là vô cùng khó khăn.
Như trong dịp Giáng sinh năm ngoái, cô Chew buộc phải tổ chức tiệc nhiều lần theo các nhóm nhỏ và kéo dài trong 2 tuần. “Chuyện này thật quá sức”, cô Chew nói.
Cô Chen cho hay cô rất vui vì cuối cùng có thể tổ chức các chuyến picnic ngoài trời mà không cần đeo khẩu trang, dù bản thân vẫn cảm thấy có chút e ngại về nguy cơ lây nhiễm virus. Người phụ nữ cho hay cô tiếp tục đeo khẩu trang khi ở ngoài trời không chỉ vì thói quen trong 2 năm qua, mà còn vì lo sợ nguy cơ con gái (8 tuổi) không may nhiễm Covid-19 từ mẹ.
Theo cuộc khảo sát trực tuyến của công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov, phần lớn người dân Singapore mong đợi được tụ tập theo nhóm đông người. Nhưng cũng có những người cho rằng, các quy định phòng dịch bị gỡ bỏ chưa đúng lúc vì hiện tại Singapore vẫn có hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày.
Đối với các nhà hàng và quán bar cơ hội khôi phục hoạt động kinh doanh đã tới khi các nhóm đông người được phép tụ tập từ tuần này.
Tại quán bar Nemesis, bar trưởng Tim Rosete cho hay số lượng khách đặt chỗ trước đã tăng ít nhất 20%. Quán bar cũng đã điều chỉnh kéo dài thời gian hoạt động sau khi quy định dừng bán rượu vào lúc 22h30 được thay đổi.
Ông Rosete tin rằng những quy định phòng dịch được xóa bỏ, doanh thu sẽ tăng trở lại. “Giờ hoạt động muộn hơn đồng nghĩa với số lượng đồ uống được bán ra nhiều hơn”, ông Rosete chia sẻ.
Hay như nhà hàng Hàn Quốc Anju cũng đã nhận nhiều lịch đặt bàn cho nhóm 10 người. Song nhà đồng sáng lập nhà hàng Eugene Yeo cho biết người dân vẫn duy trì sự cảnh giác trước Covid-19 nên chưa vội tụ tập đông người.
Ông Yeo thừa nhận việc phục vụ cho các nhóm đông người sẽ mang lại lợi nhuận cao cho nhà hàng.
“Mọi người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho rượu khi tụ tập thành các nhóm đông người”, ông Yeo nói.
Cũng bắt đầu từ ngày 29/3, 75% nhân viên trong mỗi công ty được phép tới công sở làm việc, tăng từ mức 50% so với trước đây.
Từ ngày 1/4, Singapore còn áp dụng quy định những du khách đã tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có thể nhập cảnh vào quốc gia này khi có kết quả xét nghiệm âm tính trước 2 ngày thực hiện chuyến bay. Hành khách sẽ không phải tự cách ly hay làm xét nghiệm Covid-19 khi đặt chân tới Singapore.
Liên quan tới việc tái mở cửa các đường biên giới trên bộ với Malaysia, ông Alex Holmes, nhà kinh tế tại tổ chức Capital Economics, nhận định động thái này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động trong giai đoạn trung hạn bởi sẽ có thêm người lao động Malaysia tới Singapore làm việc. Trước khi Covid-19 xuất hiện, hơn 300.000 người đi qua các biên giới trên bộ để vào Singapore mỗi ngày.
“Tái mở cửa biên giới hiện là thời điểm thích hợp và sẽ giúp giảm một phần tác động từ chiến sự giữa Nga – Ukraine, nguồn cung bị gián đoạn và giá bán năng lượng tăng cao”, ông Holmes cho hay.
Y tá tử vong vì không được cấp cứu kịp thời do quy định phòng dịch ở bệnh viện Trung Quốc
Nữ y tá tử vong vì không được tiếp nhận điều trị kịp thời do phòng cấp cứu bệnh viện bị đóng cửa để khử trùng phòng dịch Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)