‘Sát thủ thầm lặng’ tái trỗi dậy sau khi Covid-19 tấn công Ấn Độ
Sau khi dịch Covid-19 khiến hàng trăm ngàn người tử vong ở Ấn Độ, bệnh lao còn được gọi là "sát thủ thầm lặng" đang tái trỗi dậy ở quốc gia này.
Trong 2 năm 2020 và 2021, thời điểm dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng ở Ấn Độ, hàng triệu người được cho đã tử vong. Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới cuộc chiến chống bệnh lao (TB), căn bệnh còn được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”.
Số ca mắc bệnh lao ở Ấn Độ hiện chiếm 1/4 tổng ca bệnh trên toàn thế giới. Ước tính nửa triệu người Ấn Độ đã chết vì mắc TB vào năm 2020, tương đương 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu.
Bệnh lao được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng" đang trỗi dậy sau khi dịch Covid-19 tấn công Ấn Độ. (Ảnh: The Independent) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố do dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh, số ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2020 do “sát thủ thầm lặng” gây ra đã tăng lần đầu tiên trong hơn 10 năm.
Như ở Ấn Độ, số trường hợp mới mắc TB được xác định vào năm 2020 đã giảm 1/4 xuống còn khoảng 1,8 triệu ca. Nhưng con số này được cho không chính xác, bởi những quy định hạn chế được thi hành để ngăn chặn dịch Covid-19 như phong tỏa, cũng như việc lực lượng y tế bị điều động đi chống dịch khiến bệnh nhân lao không được khám chữa bệnh kịp thời.
Cụ thể, cuộc điều tra của chính phủ Ấn Độ giai đoạn năm 2019 - 2021 và được công bố nhân Ngày Thế giới phòng chống lao cho thấy, gần 2/3 người có triệu chứng mắc lao ở nước này không đi khám và điều trị.
Cô Ashna Ashesh (29 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh lao kháng nhiều loại thuốc cách đây 4 năm đã chia sẻ về những khó khăn mà các bệnh nhân TB đối mặt trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành khiến tình trạng bị cô lập, phong tỏa và thất nghiệp gia tăng. Theo cô Ashesh, dịch Covid-19 khiến các bệnh nhân lao không tiếp nhận được thông tin hỗ trợ về chuyện đi làm xét nghiệm và điều trị.
“Tác động của Covid-19 là rất lớn. Covid-19 đã khiến cuộc chiến chống TB bị đẩy lùi nghiêm trọng. Kế hoạch khôi phục cuộc chiến chống TB là vô cùng quan trọng cả với Ấn Độ và toàn cầu”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Ashesh, người đang làm chuyên gia y tế cộng cộng.
Dịch Covid-19 khiến Ấn Độ càng khó có thể đạt được mục tiêu của Thủ tướng Narendra Modi là chấm dứt sự lây lan của TB vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đặt ra.
Các chuyên gia và những người mắc bệnh lao còn sống cũng đang kêu gọi một chiến dịch tận gốc tăng cường như tìm kiếm các ca bệnh “bị bỏ sót”, tài trợ thêm cho vắc xin, và hỗ trợ bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng bởi đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh lao.
Ông Kuldeep Singh Sachdeva thuộc tổ chức Liên hiệp Quốc tế Chống bệnh Lao và Phổi, nhấn mạnh các bang của Ấn Độ cần triển khai thêm nhiều dịch vụ như thăm khám tại nhà và rà soát diện rộng.
“Đây là cách duy nhất để có thể loại bỏ TB”, ông Sachdeva, người từng đảm nhận vị trí người đứng đầu Chương trình Xóa xổ bệnh Lao Quốc gia của chính phủ Ấn Độ nói.
Theo số liệu chính thức được chính phủ Ấn Độ công bố, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 520.000 người dân nước này. Nhưng các chuyên gia tin rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Covid-19 xuất hiện và thay thế TB trở thành căn bệnh truyền nhiễm gây chết chóc nhiều nhất trên thế giới. Việc người dân đeo khẩu trang để phòng Covid-19 cũng trở thành viên đạn bạc chống TB.
Ông Sachdeva cho rằng việc đeo khẩu trang có thể giảm 20% khả năng lây bệnh của TB. Ngoài ra, quá trình chẩn đoán Covid-19 cũng giúp phát hiện các ca mắc lao.
Đại đô thị Mumbai với dân số 20 triệu người đồng thời là điểm nóng TB đã cho triển khai chương trình kết nối những bệnh nhân lao trẻ tuổi còn sống để hỗ trợ các bệnh nhân khác duy trì chữa bệnh.
“Quá trình điều trị có nhiều tác dụng phụ mà bệnh nhân không thể chịu được”, anh Seema Kunchikorve, người được chẩn đoán mắc lao cách đây 5 năm khi mới 20 tuổi, tham gia chương trình chống lao ở Mumbai nhấn mạnh.
Ông Vijay Chavan, bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lao kháng nhiều loại thuốc tại phòng khám Medecins Sans Frontieres (MSF) ở Mumbai, cho hay cuộc chiến chống Covid-19 đã mở ra con đường để chống lại dịch bệnh cũ như TB.
Theo ông Chavan, “Nếu giới lãnh đạo quyết tâm xem TB giống như dịch Covid-19, kết quả phòng chống bệnh chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt”.
Nhiều địa phương ở Trung Quốc gánh đống nợ vì chính sách 'zero Covid-19'
Chính sách "zero Covid-19" khiến chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc gánh đống nợ do chi phí chăm sóc y tế người dân gia tăng.
Minh Thu (lược dịch)