Vì sao ‘Hồ sơ Pandora’ gây chấn động thế giới?
“Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers) là vụ rò rỉ dữ liệu tài chính lớn nhất được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố đang gây chấn động toàn thế giới.
Theo đó, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, Vua Abdullah II của Jordan, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và hàng chục nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và trước đây, cũng như các tỷ phú có ảnh hưởng đều có liên hệ với các công ty sử dụng thiên đường thuế.
Cuộc điều tra có sự tham gia của hơn 600 nhà báo từ 150 tổ chức truyền thông. Trong gần 2 năm, các nhà điều tra đã nghiên cứu 11,9 triệu tài liệu mật thuộc quyền sở hữu của ICIJ. Các tài liệu này chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa các giao dịch bí mật ra nước ngoài và chính sách tài chính toàn cầu.
“Hồ sơ Pandora” đã tiết lộ các mạng lưới những công ty được thành lập xuyên biên giới, thường là nhằm che giấu việc sở hữu tiền hoặc tài sản. (Ảnh: ICIJ) |
Theo Pandora Dossier, các chính trị gia quyền lực có thể tận dụng kẽ hở từ hệ thống tài chính nước ngoài từ đó kiếm lợi bằng cách giấu tài sản trong các công ty và quỹ bí mật.
Đồng thời, các nhà chức trách nước sở tại cũng không ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp dẫn đến sự làm giàu của tội phạm và sự bần cùng hóa của các quốc gia. Tài khoản nước ngoài thường được sử dụng để bí mật quản lý quỹ và chuyển những khoản tiền lớn nhằm che giấu sự giàu có thực sự của chủ sở hữu.
Các cuộc điều tra cho thấy, 35 nhà lãnh đạo thế giới trước đây và hiện tại, cũng như 330 quan chức chính phủ trên khắp thế giới có liên quan đến các tài khoản hoặc công ty nước ngoài. Các nhà báo đã tìm thấy mối liên hệ như vậy với các bộ trưởng tài chính của Pakistan, Hà Lan, Brazil, cũng như các cựu bộ trưởng tài chính của Malta, Pháp và cựu lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Dominique Strauss-Kahn.
Hơn 130 tỷ phú lộ diện
Thủ tướng Czech Andrei Babish không phải là người giàu có duy nhất liên quan đến “Hồ sơ Pandora”. Theo tài liệu do các nhà báo nghiên cứu, hơn 130 doanh nhân lớn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Mexico và các quốc gia khác có mối liên hệ với các tài khoản ở nước ngoài.
Tỷ phú Thổ Nhĩ Kỳ Erman Ilicak có liên kết với 2 công ty nước ngoài được đăng ký tên mẹ ông vào năm 2014 và sở hữu tài sản của tập đoàn xây dựng của gia đình. Theo báo cáo tài chính bí mật, một trong những công ty là Covar Trading Ltd., đã kiếm được 105,5 triệu USD tiền cổ tức trong năm đầu tiên.
Số tiền này được giữ trong tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ một thời gian. Tuy nhiên, theo các báo cáo, trong cùng năm công ty đã chuyển gần như toàn bộ số tiền đến một khoản “quyên góp”, người nhận số tiền này không được nêu rõ trong các dữ liệu tài chính. Trong báo cáo tài chính của công ty, giao dịch tiền tệ này được liệt kê là “chi phí phát sinh”.
Bí mật về Tổng thống Kenya và những phi vụ ở nước ngoài của các quốc vương Ả Rập
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, người thuộc một trong những triều đại chính trị nổi tiếng nhất đất nước, trong chiến dịch tranh cử đã tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng và kêu gọi minh bạch trong chính trị. Tuy nhiên, theo thông tin có được từ các nhà báo, ông Kenyatta và mẹ chính là người thụ hưởng một quỹ bí mật ở Panama.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. (Ảnh: ICIJ) |
Theo “Hồ sơ Pandora”, các thành viên khác trong gia đình ông, bao gồm 2 chị gái và anh trai, sở hữu 5 công ty nước ngoài với tài sản trị giá hơn 30 triệu USD.
Ngoài ra, Pandora Dossier cũng tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài. Một số trong số chúng được sử dụng để che giấu tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật như của Picasso và Banksy.
Từ các tài liệu được các nhà báo xử lý, có thể thấy rằng Vua của Jordan Abdullah II đã mua 3 dinh thự trên bờ biển ở Malibu (Mỹ) thông qua các công ty bất động sản. Các thương vụ tiêu tốn của ông 68 triệu USD và được thực hiện trong Mùa xuân Ả Rập, khi người dân Jordan tràn ra đường để phản đối nạn tham nhũng và thất nghiệp.
Các tài liệu bí mật cũng tiết lộ Công chúa của Maroc, Lalla Hasna, là chủ sở hữu của công ty bình phong để mua một ngôi nhà với giá 11 triệu USD ở trung tâm của London gần Cung điện Kensington. Theo các tài liệu, bà Hasna đã mua lại ngôi nhà bằng tiền từ gia đình hoàng gia Maroc.
Bên cạnh đó, ông Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Tiểu vương Dubai là cổ đông của 3 công ty được đăng ký tại các khu vực pháp lý bí mật.
Đồng thời, Tiểu vương Qatar, Tamim bin Hamad Al Thani cũng tiếp tục sử dụng các công ty nước ngoài để đầu tư, quản lý tài sản và bảo tồn vì lợi ích của gia đình. Trong một cuộc điều tra khác của ICIJ, có thông tin cho rằng chiếc du thuyền sang trọng trị giá 300 triệu USD của ông được các công ty nước ngoài đứng tên.
Tại sao thiên đường thuế là vấn đề lớn?
Đây là cách hoạt động của các công ty nước ngoài, với mức giá bắt đầu từ vài trăm USD, người bán có thể giúp khách hàng tạo ra một công ty ở nước ngoài mà chủ sở hữu thực sự vẫn là một bí mật.
Ngoài ra, với một khoản phí từ 2.000 - 25.000 USD, bạn có thể thiết lập quỹ tín thác, trong một số trường hợp cho phép người thụ hưởng kiểm soát tiền mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Panama - thiên đường trốn thuế của thế giới. (Ảnh: EFE) |
Qua đó với một chút thủ tục và sự sáng tạo giúp cho chủ nhân giữ tài sản an toàn trước các chủ nợ, cơ quan thực thi pháp luật, người thu thuế và vợ/chồng cũ.
Sở hữu các công ty nước ngoài và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua các thiên đường thuế này là hoàn toàn hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng hoạt động này đã trở thành tâm điểm của sự giám sát trên toàn thế giới trong những năm gần đây.
Những người sử dụng các công ty này nói rằng, họ cần chúng để điều hành công việc kinh doanh. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho hay, các thiên đường thuế và các hoạt động ở nước ngoài cần được giám sát chặt chẽ hơn để giải quyết nạn tham nhũng, rửa tiền và bất bình đẳng toàn cầu.
Theo ông Gabriel Zucman, Giáo sư kinh tế tại Đại học Đại học Berkeley (California) và là chuyên gia về các thiên đường thuế, 10% GDP toàn cầu được lưu trữ tại các thiên đường thuế trên khắp thế giới.
Ông Lakshmi Kumar, Giám đốc chính sách của Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity - GFI) có trụ sở tại Washington, cho biết khi người giàu giấu tiền bằng cách né thuế, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người bình thường.
Bao nhiêu tiền đến với các thiên đường thuế?
Do tính chất phức tạp và bí mật của hệ thống tài chính nước ngoài, do đó không thể biết chính xác số tiền liên quan đến trốn thuế và các tội phạm khác, hoặc những khoản tiền nào đã được báo cáo với nhà chức trách.
Tổng số tiền được gửi từ các quốc gia có thuế suất cao đến các thiên đường thuế với tỷ lệ thấp hơn là không thể xác định. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ít nhất 11,3 nghìn tỉ USD đang ở nước ngoài.
Khi nói về thiên đường thuế, nhiều người chủ yếu nghĩ đến các hòn đảo Caribe, nhưng Pandora Dossier cho thấy hệ thống này hoạt động trên khắp thế giới. Ví dụ, ở các quốc gia như Singapore, Hà Lan, Ireland, Hong Kong và thậm chí ở một số tiểu bang của Mỹ.
‘Hồ sơ Pandora’ tiết lộ những gì?
Hôm 3/10, một cuộc điều tra của Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) được tài trợ bởi quỹ của George Soros đã công bố “Hồ sơ của Pandora” về sự tham gia của một số nhà lãnh đạo thế giới trong các kế hoạch nước ngoài.
Thanh Bình (lược dịch)