Thế giới có thêm 9 tỷ phú mới nhờ vắc-xin Covid-19, chuyên gia nói gì?
Theo CNN, nhờ việc bán vắc-xin ngừa Covid-19, 9 chủ sở hữu công ty đã kiếm được hàng tỉ USD.
Cụ thể, doanh thu từ việc bán vắc-xin ngừa Covid-19 tăng mạnh nhất là Giám đốc điều hành của hãng Moderna của Mỹ, ông Stephane Bancel và Ugur Sahin, Giám đốc điều hành của BioNTech, công ty phát triển vắc-xin với Pfizer. Cả hai hiện nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 4 tỉ USD.
Ngoài ra, các giám đốc điều hành của công ty Trung Quốc CanSino Biologics, những người đầu tư đầu tiên vào Moderna và nhờ đó cổ phiếu của những người này cũng tăng mạnh, góp phần tạp nên những tỷ phú mới. Tổng cộng tài sản của 9 tỷ phú mới này ước tính khoảng 19,3 tỉ USD.
Lợi nhuận từ vắc-xin Covid-19 giúp ít nhất 9 người trở thành tỷ phú. (Ảnh: AP) |
Giá cổ phiếu của Moderna đã tăng hơn 700% kể từ tháng 2/2020, trong khi BioNTech đã tăng 600%. Cổ phiếu của CanSino Biologics tăng khoảng 440% so với cùng kỳ. Vắc-xin Covid-19 một liều của công ty đã được phê duyệt để sử dụng ở Trung Quốc vào tháng Hai.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết, các tỷ phú mới này làm nổi bật sự bất bình đẳng rõ rệt do đại dịch gây ra. Các nhà vận động cho rằng, 9 tỷ phú mới với tài sản trị giá tổng cộng 19,3 tỉ USD đủ để tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 780 triệu người ở các quốc gia có thu nhập thấp. Các quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới mới nhận được 0,2% nguồn cung vắc-xin Covid-19 toàn cầu, do sự thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Ngoài 9 tỷ phú mới nổi trên, còn 8 người khác đã là tỷ phú trước khi đại dịch Covid-19, nhưng với danh mục đầu tư rộng khắp vào các tập đoàn dược đang sản xuất vắc-xin Covid-19, giúp tổng tài sản của họ tăng thêm 32,2 tỉ USD.
Theo bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam, những tỷ phú này là chủ nhân của khối lợi nhuận khổng lồ mà các hãng dược lớn đang thu được từ việc nắm giữ độc quyền vắc-xin.
Vắc-xin Covid được đầu tư từ tiền ngân sách công, nên trước hết phải là tài sản công, không phải một cơ hội kiếm lời của một số ít người. “Chúng ta cần phải khẩn cấp chấm dứt sở hữu độc quyền để nhân rộng sản xuất vắc xin, giảm giá thành và triển khai tiêm chủng cho toàn thế giới”, bà Anna Marriott nói.
Các tỷ phú vắc-xin nổi lên khi cổ phiếu của các công ty dược tăng mạnh, với kỳ vọng về những khoản lợi nhuận lớn thu được từ độc quyền vắc-xin Covid-19.
“Đây là minh chứng cho thất bại của nhân loại trong việc kiểm soát con virus quái ác này (virus SAR-CoV-2), khi chúng ta nhanh chóng tạo ra những tỷ phú vắc-xin mới, nhưng lại không thể tiêm chủng cho hàng tỉ người đang vô cùng cần cảm giác được an toàn”, bà Anna Marriott nhấn mạnh.
Mới đây, Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu với sự tham gia của các nhà lãnh đạo G20, tại đó các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ thảo luận về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ động thái này, mà những người ủng hộ cho rằng sẽ giúp mở rộng nguồn cung toàn cầu và thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo. Những người phản đối, chẳng hạn như Đức đã lập luận rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là điều quan trọng đối với sự đổi mới và nói rằng việc loại bỏ các bằng sáng chế sẽ không làm tăng nguồn cung một cách có ý nghĩa do năng lực sản xuất hạn chế và không đủ thành phần vắc-xin.
Giám đốc điều hành (CEO) hãng Pfizer, ông Albert Bourla cho biết trong hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe, công ty sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong 18 tháng tới. Pfizer dự kiến doanh số bán vắc-xin sẽ đạt tổng cộng khoảng 26 tỉ USD vào cuối năm nay, với tỉ suất lợi nhuận đạt 30%.
Đầu tháng này, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ tạm thời bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19. Động thái này nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia đang phát triển.
Hàng chục thi thể được tìm thấy ở sân sau nhà cựu cảnh sát El Salvador
The Guardian đưa tin, ở El Salvador, một cựu cảnh sát đã giết hàng chục phụ nữ và chôn xác trong sân sau nhà mình.
Thanh Bình (lược dịch)