Dịch Covid-19 ở quốc gia này có thể còn khủng khiếp hơn Ấn Độ
Nhiều bác sĩ lo ngại đại dịch Covid-19 tại Nepal sẽ còn khủng khiếp hơn những gì xảy ra trong làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ.
Trong khi sự chú ý của thế giới đổ dồn về cuộc chiến chống làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ, số ca mới mắc Covid-19 theo ngày cũng đang tăng nhanh chóng ở quốc gia láng giềng Nepal. Hệ thống chăm sóc y tế ở Nepal được cho đã rơi vào cảnh vỡ trận, khi các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hết giường và cuộc khủng hoảng oxy ở các bệnh viện cũng đã xuất hiện.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhiều cơ sở y tế ở quốc gia 30 triệu dân đã từ chối tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19 do giường bệnh không còn và thuốc men điều trị cũng đã cạn. Nhiều bác sĩ ở Nepal chia sẻ, họ sợ rằng dịch Covid-19 ở nước này còn tồi tệ hơn những gì đang xảy ra ở Ấn Độ.
Dịch Covid-19 ở Nepal có thể còn khủng khiếp hơn ở Ấn Độ. (Ảnh: Reuters) |
“Cơ sở hạ tầng y tế của chúng tôi đang rơi vào khủng hoảng. Khoảng cách giữa cung và cầu oxy đang là rất lớn. Chúng tôi cũng không có thêm nguồn cung vắc-xin”, Tiến sĩ Samir Kumar Adhikari, phát ngôn viên Bộ Y tế Nepal nhấn mạnh.
Khi làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện ở Ấn Độ và nhiều bang ở nước này tiến hành phong tỏa, các lao động di cư người Nepal buộc phải trở về nước. Nhiều người trong số họ đã nhiễm virus biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ. Đáng nói, biến chủng này tốc độ lây lan nhanh.
Cũng theo Bộ Y tế Nepal, biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ được phát hiện gần như trên 100% bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện tập trung đông người như đám cưới, lễ hội và vận động chính trị vẫn được tổ chức, khiến số ca mới mắc Covid-19 ở Nepal tăng vọt.
Điển hình vào ngày 18/5, Nepal ghi nhận thêm 8.136 ca mới mắc Covid-19, cao hơn 65 lần so với 2 tháng trước. Và số người chết vì Covid-19 ở Nepal hôm 18/5 là 196 người, cao hơn 5 lần so với hồi tháng Tư. Tính tổng thể, Nepal có hơn 472.000 ca mắc Covid-19 và khoảng 5.400 người chết vì dịch bệnh. Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Để đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung oxy phục vụ quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chính phủ Nepal đã quyết định phân bổ mức trần bình oxy mà mỗi cơ sở y tế được tiếp nhận trong ngày.
“Chúng tôi có đủ nguồn nhân lực như bác sĩ và y tá để chăm sóc bệnh nhân nhưng hàng ngày, chúng tôi đều lo sợ các bình oxy sắp cạn kiệt”, bác sĩ Sher Bahadur Pun tại bệnh viện Sukraraj ở thủ đô Kathmandu cho hay.
Thông thường, Nepal sẽ nhờ cậy Ấn Độ cung cấp thêm oxy bên cạnh những mặt hàng quan trọng khác. Nhưng theo ông Adhikari, “Ấn Độ hiện đang bị khủng hoảng và cuộc khủng hoảng của họ đang truyền sang cho chúng tôi”.
Đáng nói, Ấn Độ cũng đã cho dừng xuất khẩu vắc-xin Covid-19 do nước này cần đẩy mạnh tiêm phòng cho người dân để ngăn chặn có thêm làn sóng Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc các nước nghèo nằm trong chương trình phân bổ vắc-xin giá rẻ của Tổ chức Y tế thế giới như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka cùng nhiều quốc gia khác bị cắt nguồn cung vắc-xin.
Để lấp khoảng trống mà Ấn Độ để lại, Trung Quốc đã quyết định hỗ trợ nguồn cung oxy, vắc-xin và thiết bị như đồ bảo hộ y tế, giường bệnh ICU giúp Nepal chống dịch.
Cụ thể, hồi tháng Ba, Trung Quốc đã chuyển cho Nepal 800.000 liều vắc-xin Covid-19 Sinopharm, nhưng công suất sản xuất vắc-xin của Trung Quốc vẫn dưới tầm Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ đang chú trọng đẩy mạnh tiêm phòng cho 1,4 tỉ dân ở nước này.
Ông Adhikari nói thêm, Nepal đối mặt với vô vàn khó khăn trong khâu hậu cần bởi quãng đường di chuyển các bình oxy từ Trung Quốc tới Nepal rất dài. Do bình oxy được xếp vào danh sách mặt hàng nguy hiểm vì nguy cơ cháy nổ cao, nên Nepal vẫn rất cần nguồn cung oxy từ nước láng giềng Ấn Độ, quốc gia có đường biên giới giáp với Nepal ở cả phía đông, tây và nam hoặc là Nepal sẽ tự phải sản xuất oxy để cung cấp cho bệnh nhân trong nước.
“Chúng tôi không thể cứu tất cả người dân Nepal nhờ những bình oxy được vận chuyển bằng đường hàng không từ Trung Quốc. Chúng tôi phải tự thu xếp cung cấp oxy hàng ngày bằng những cách thức mang tính thực tế”, ông Adhikari nhấn mạnh.
Ẩn họa từ hàng trăm thi thể nằm dọc bờ sông Hằng ở Ấn Độ
Hàng trăm thi thể trôi nổi, dạt vào bờ hoặc vùi trong những đống cát bên sông Hằng đang làm dấy lên mối quan ngại về bệnh tật bùng phát ở Ấn Độ.
Minh Thu (lược dịch)