'Tàu sân bay Mỹ' xuất hiện giữa sa mạc Trung Quốc
Hình ảnh vệ tinh phát hiện Trung Quốc cho đóng mô hình như tàu sân bay Mỹ để làm mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm vũ khí.
Quân đội Trung Quốc đang cho đóng mô hình đóng giả tàu sân bay Mỹ tại một cơ sở thử nghiệm vũ khí nằm trong khu vực sa mạc hẻo lánh khắc nghiệt ở phía tây nước này.
Theo Bloomberg, mục đích của quân đội Trung Quốc là cải thiện năng lực vô hiệu hóa tàu sân bay vốn được nhận định là sức mạnh chủ chốt của Mỹ.
Mô hình tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở bãi thử vũ khí của Trung Quốc. (Ảnh: Maxar Technologies) |
Viện Hải quân Mỹ cho hay, các bức ảnh vệ tinh hé lộ mục tiêu đóng giả trong chương trình tập trận của quân đội Trung Quốc có kích cỡ trương đương một tàu sân bay và 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ.
Cả 3 mô hình này nằm ở cơ sở thử nghiệm trong sa mạc Taklamakan thuộc Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Đáng nói, tàu sân bay và khu trục hạm lớp Arleigh Burke là 2 trong số nhiều tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra ở Tây Thái Bình Dương bao gồm các vùng biển quanh Đài Loan.
Những bức ảnh vệ tinh được công ty Maxar Technologies tại Mỹ chụp hồi tháng 10. Công ty Maxar có hơn 80 vệ tinh do chính hãng chế tạo đang hoạt động trong quỹ đạo.
Trong tuyên bố gửi tới Bloomberg vào hôm nay (8/11), Maxar cho hay cơ sở thử nghiệm ở sa mạc Taklamakan còn có 2 mục tiêu hình chữ nhật dài khoảng 75m và được đặt trên đường ray.
Điều đáng nói, hình ảnh bãi thử nghiệm hiện rất rõ trong các bức ảnh vệ tinh. Đây là dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh muốn thể hiện cho Washington thấy tên lửa của Trung Quốc có thể làm gì.
Vào tháng 8/2020, quân đội Trung Quốc từng thực hiện vụ phóng thử “sát thủ diệt tàu sân bay” là tên lửa DF-21D ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Phil Davidson đã nói trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ rằng mục đích phóng DF-21D của Trung Quốc chính là “thông điệp rõ ràng”.
Tên lửa DF-21D hiện là trọng tâm trong chiến lược ngăn chặn các hành động quân sự bùng nổ ngoài bờ biển phía đông của Trung Quốc. Tên lửa này được xem là mối đe dọa có khả năng phá hủy các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ triển khai trong khu vực
Hồi tháng Một, Phó Đô đốc Jack Dorsett từng nhấn mạnh Lầu Năm Góc đã đánh giá thấp tốc độ phát triển và sản xuất DF-21D của Trung Quốc.
DF-21D là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” với tầm bắn từ 1.450 – 1.550 km. Tên lửa DF-21D của Trung Quốc được cho có khả năng đánh bại hệ thống chiến đấu Aegis vốn được dùng để bảo vệ các chiến hạm mặt nước chủ chốt của quân đội Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Trung Quốc đóng mô hình vũ khí Mỹ để dùng làm mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm (Ảnh: Maxar Technologies) |
Trong những tháng gần đây, mối quan hệ Mỹ - Trung nhìn chung có những bước cải thiện, nhưng hai nước vẫn bất đồng quan điểm về vấn đề Đài Loan. Ngoài ra, Washington còn bày tỏ mối quan ngại gia tăng trước sự mở rộng nhanh chóng chưa từng có đối với kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.
Nhiều quan chức quân đội Mỹ chú trọng mối lo ngại về hoạt động đầu tư của Trung Quốc đối với công nghệ tên lửa tối tân.
Cụ thể, gần đây, Mỹ đã lên tiếng phản ứng gay gắt trước thông tin Trung Quốc tiến hành 2 vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh hồi tháng Bảy và Tám năm nay. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận thông tin trên, và cho biết chỉ "thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường để xác minh công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ nhằm giúp cắt giảm chi phí".
Di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.200 km/h), vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời.
Còn trong bản đề xuất mới nhất của Lầu Năm Góc về ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu vũ khí siêu thanh đã tăng lên thành 3,8 tỉ USD, tăng so với mức 3,2 tỉ USD vào năm ngoái.
Vào tháng Bảy, Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ cho biết Trung Quốc còn có khoảng 250 hầm chứa tên lửa hạt nhân dưới lòng đất đang được xây dựng.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, kho hạt nhân của Trung Quốc có thể đạt 700 đầu đạn hạt nhân có thể chuyển giao vào năm 2027 và có thể tăng lên thành 1.000 đầu đạn vào năm 2030, kho vũ khí lớn gấp 2,5 lần so với những gì Lầu Năm Góc dự đoán cách đây một năm.
Hồi tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay kho hạt nhân của nước này chỉ còn 3.750 vũ khí tính tới tháng 9/2020, giảm từ con số hơn 20.000 vũ khí vào cuối thời Chiến tranh Lạnh.
Điều đặc biệt về căn cứ trị giá 8,5 triệu USD của Trung Quốc ở nước ngoài
Mối lo ngại an ninh cùng lợi ích kinh tế tiềm năng khiến Trung Quốc quyết định đổ 8,5 triệu USD để xây dựng căn cứ ở quốc gia nghèo nhất Trung Á.
Minh Thu (lược dịch)