Số trẻ em ở Mỹ mắc Covid-19 vẫn ở mức cao
Số trẻ em mắc Covid-19 ở Mỹ hiện vẫn ở mức cao, khiến các chuyên gia y tế muốn đẩy nhanh tiêm phòng vắc xin cho đối tượng nhỏ tuổi.
Khi cậu con trai 2 tuổi Adrian James bị ốm vào đầu tuần trước, cô Tiffany Jackson không nghĩ con mình mắc Covid-19. Bởi các thành viên trong gia đình cô không ai bị ốm. Cậu bé Adrian ho nhiều, nên cô Jackson cho con uống thuốc ho và đặt máy hút ẩm ở trong phòng.
Tuy nhiên, tới ngày 1/10, cậu bé bắt đầu vã mồ hôi và khó thở. Lúc này, cô Jackson đã đưa con vào bệnh viện ở thị trấn nhỏ Mount Vernon thuộc bang Illinois của Mỹ để cấp cứu. Các bác sĩ và y tá cho cậu bé chup X-quang và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Lực lượng y tế sau đó dùng máy bay chuyển cậu bé tới Bệnh viện Nhi Cardinal Glennon ở St. Louis, cách thị trấn Mount Vernon 130 km.
Cậu bé Adrian mới 2 tuổi bị mắc Covid-19 và phải nhập viện để điều trị. (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, cô Jackson cùng mẹ đi ô tô tới sau. Họ mất 90 phút lái xe để tới bệnh viện con trai nằm điều trị.
Cậu con trai của cô Jackson là một trong số hơn 840.000 trẻ em dưới 4 tuổi mắc Covid-19 ở Mỹ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tuy nhiên, những ca bệnh trở nặng và phải nhập viện như cậu bé Adrian là khá hiếm với tỷ lệ chưa tới 1% số ca nhiễm virus corona phải vào viện điều trị. Còn theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trẻ em chiếm 2,5% trong tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ.
Dù số ca mắc và nhập viện vì Covid-19 tính trên toàn lãnh thổ Mỹ đã giảm, nhưng một số nơi vẫn chứng kiến số ca mới nhiễm virus corona tăng cao do sự lây lan của biến chủng Delta như trường hợp của cậu bé Adrian.
May mắn vào tối ngày 5/10, trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), tình trạng của cậu bé đã có tiến triển tốt khi hai lá phổi bắt đầu làm việc trở lại. Do đó, cậu bé có thể sẽ sớm được rút ống trợ thở.
Ban đầu cậu bé Adrian bị viêm phổi trái. Cậu bé thở gấp với 76 nhịp/phút, nhanh gần gấp đôi mức bình thường 40 nhịp/phút.
Về phần mình, cô Jackson cho biết cô không hiểu con trai mình mắc bệnh từ khi nào và bằng cách nào. Hồi mùa hè năm ngoái, người mẹ này cũng từng mắc Covid-19. Cho tới nay, cô Jackson vẫn chưa tiêm vắc xin Covid-19 do mắc hội chứng Guillain-Barré, bệnh lý viêm thần kinh, kể từ sau khi cô này tiêm vắc xin cúm hồi năm 16 tuổi.
Còn bố của bé Adrian cũng đã tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19, nhưng chưa tiêm mũi 2. Theo cô Jackson, khả năng ai đó ở nơi làm việc của chồng cô đã làm lây lan virus và cậu bé Adrian tiếp xúc với bố nên nhiễm bệnh. Nhưng trên thực tế, nơi chồng cô Jackson làm việc mọi người vẫn đeo khẩu trang và tuân thủ quy định giãn cách an toàn.
Cô Jackson hy vọng thông qua câu chuyện của con trai, những người khác cần nâng cao ý thức để tránh làm lan truyền virus corona cho trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu.
“Tôi muốn mọi người nhận thức rằng, căn bệnh này rất nguy hiểm”, cô Jackson chia sẻ.
Nhanh chóng tiêm vắc xin cho trẻ em
Theo CNN, hôm 5/10, Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá sinh học của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nhấn mạnh “trong làn sóng Covid-19 mới nhất, hàng ngàn trẻ em đã phải nhập viện. Đây là điều đáng xấu hổ với một quốc gia phát triển như Mỹ khi có hàng trăm trẻ nhỏ tử vong vì căn bệnh truyền nhiễm có thể ngăn chặn được”.
Ông Marks cũng nhấn mạnh, đáng lẽ không cha mẹ nào phải chịu cảnh mất con, nếu như Mỹ có vắc xin Covid-19 an toàn và hiệu quả để tiêm cho trẻ em.
Kể từ khi dịch Covid bùng phát, số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ hiện vượt qua con số 700.000 bao gồm 645 trẻ em.
Các quan chức y tế Mỹ sẽ tiến hành họp bàn vào ngày 26/10 để cân nhắc phê chuẩn tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi. Cuối năm nay hoặc đầu năm sau, quyết định tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ dưới 5 tuổi cũng sẽ được Mỹ công bố.
Trẻ em dưới 18 tuổi hiện chiếm 22% tổng dân số Mỹ, nhưng chiếm 27% trong tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho biết số ca mới mắc Covid-19 ở trẻ em Mỹ vẫn “cực cao”. Dù tỷ lệ tử vong thấp, nhưng trẻ em vẫn có thể phải chịu những triệu chứng lâu dài do mắc Covid-19.
Theo CDC, ngoại trừ bang California và Connecticut, các bang khác ở Mỹ vẫn ghi nhận tình trạng mắc Covid-19 ở mức cao.
Hiện các vắc xin Covid-19 ở Mỹ mới được tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Song các quan chức Mỹ nhấn mạnh chuyện này cần phải sớm thay đổi.
Tuy nhiên, trên thực tế, một khi vắc xin Covid-19 được phê duyệt tiêm cho đối tượng nhỏ tuổi, bố mẹ các em có thể là rào cản đối với hoạt động tiêm phòng.
Bởi chỉ 1/3 tương đưog 34% cha mẹ có con trong độ tuổi từ 5 – 11 cho biết họ sẽ lập tức đưa con đi tiêm, nếu như vắc xin Covid-19 cho trẻ được cấp phép. Còn hiện tại, chỉ khoảng 1/3 trẻ em từ 12 – 17 tuổi ở Mỹ đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tính trung bình, Mỹ hiện có khoảng 105.054 ca mới mắc Covid-19 mỗi ngày, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Dù xu hướng nhiễm virus corona đang giảm, nhưng các chuyên gia lo ngại tình trạng trẻ em mắc Covid-19 vẫn còn rất cao.
“Tôi lo ngại những ngày khó khăn còn ở phía trước. Ngay cả khi chúng ta làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin, chúng ta vẫn cần phải làm thêm nhiều việc khác nữa vì biến chủng Delta rất giỏi tìm ra những người chưa tiêm phòng và làm họ nhiễm bệnh”, Tiến sĩ Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng Brown chia sẻ.
Theo bà Jha, điều cần thiết chính là cần có thêm nhiều người tiêm vắc xin Covid-19 hơn nữa, kết hợp đeo khẩu trang ở trong phòng tại những nơi có nguy cơ cao mắc bệnh, cũng như tiến hành tiêm ngừa cho trẻ nhỏ.
Còn theo số liệu của CDC, Mỹ hiện chỉ có khoảng 56% người dân đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu khuyến cáo tiêm mũi 3 cho người có hệ miễn dịch yếu
Những người có hệ miễn dịch yếu được khuyến cáo tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 Pfizer hoặc Moderna chỉ sau 28 ngày tiêm mũi 2.
Minh Thu (lược dịch)