Nguy cơ đụng độ ở biên giới Trung - Ấn vẫn hiện diện
Các chuyên gia Trung - Ấn có chung nhận định, nguy cơ đụng độ ở vùng biên giới hai nước vẫn hiện diện và triển vọng thiết lập hòa bình còn xa vời.
Trong tuần qua, cả Trung Quốc và Ấn Độ đã có hoạt động tưởng niệm các binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan thuộc bang Ladakh khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc tử vong trong 2 ngày 15 - 16/6/2020. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Trong đó, Ấn Độ đã cho công bố đoạn video gồm bài hát tưởng nhớ 20 binh sĩ thiệt mạng ở thung lũng Galwan. Còn quân khu Tân Cương của quân đội Trung Quốc, đơn vị giám sát các đường biên giới phía tây giáp Ấn Độ, cũng tổ chức buổi tưởng niệm quy mô nhỏ dành cho 4 binh sĩ tử trận.
Quân đội Trung Quốc tiến hành rút quân và xe tăng ở dọc LAC thuộc bang Ladakh. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ) |
Theo các nhà phân tích quân sự và quan hệ quốc tế, giờ là lúc để Trung - Ấn cùng nhau hợp tác nhằm ngăn chặn sự việc đáng tiếc như hồi tháng 6/2020 tái diễn. Nhưng trên hết để làm được việc này, hai bên cần xây dựng lòng tin trên mọi mặt trận. Trong thời gian qua, các binh sĩ Trung - Ấn cũng đã liên tiếp cho rút quân khỏi vùng Galwan để hạ nhiệt căng thẳng.
Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ và Khoa học Quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho rằng có những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn tránh làm nóng lại vấn đề tranh chấp biên giới.
“Buổi tượng niệm quy mô nhỏ dành cho 4 binh sĩ thiệt mạng cho thấy, Bắc Kinh không muốn xúi giục sự thù địch quốc gia giữa Trung - Ấn, bởi đây là vết thương lớn sẽ kéo dài nhiều thập niên. Kích động thù hằn giữa hai nước sẽ chỉ đẩy quan hệ song phương tới bước đường cùng”, ông Zhou Chenming chia sẻ.
Song theo ông Deependra Singh Hooda, một cựu tướng quân đội Ấn Độ, nguy cơ bùng phát xung đột Trung - Ấn vẫn hiện diện.
Trong bài viết đăng trên The Quint, ông Hooda viết, “Khoảng 100.000 binh sĩ vẫn duy trì hoạt động ở hai bên dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC). Điều này cho thấy hai bên vẫn nghi ngờ và không tin tưởng nhau”. LAC nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát.
Các nhà phân tích Trung - Ấn cùng chung quan điểm cho rằng, việc hai nước vẫn duy trì binh sĩ ở tiền tuyến chính là xuất phát từ sự không tin tưởng lẫn nhau.
Ông Zhou Bo, cựu tướng Trung Quốc và đang là nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh quốc tế ở Đại học Thanh Hoa, cũng nhận định xung đột ở Galwan đã thay đổi bầu không khí các mối quan hệ giữa hai nước, phá hủy niềm tin mà hai bên từng xây dựng.
Bởi trước đây vào năm 1993 và 2013, hai nước đã ký kết các thỏa thuận nhằm giới hạn số lượng binh sĩ và vũ khí được triển khai tới các khu vực biên giới chung. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong quan hệ song phương.
Thậm chí, cựu đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch là ông Gupta Yogesh còn cho rằng thông qua cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan, Trung Quốc muốn dạy cho Ấn Độ một bài học.
“Trung Quốc đã lên sẵn kế hoạch. Quân đội Trung Quốc đã cho tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở Tân Cương hồi đầu tháng 3/2020 và sau đó chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ giữa lúc Ấn Độ đang phải lo đối phó với đại dịch Covid-19”, ông Yogesh nói.
Ông Wang Dehua, chuyên gia nghiên cứu Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, thì cho rằng hai cường quốc hạt nhân Trung - Ấn sẽ không đủ sức chống đỡ hậu quả nếu bây giờ hai nước xảy ra chiến tranh.
“Tôi cho rằng phương án tốt nhất là duy trì hòa bình dọc LAC bằng cách rút toàn bộ binh sĩ Trung - Ấn cách đường biên giới 20 km như đề nghị của cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ấn Lai đưa ra sau cuộc chiến biên giới năm 1962 để thiết lập các vùng đệm an toàn”, ông Wang cho hay.
Trong cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 4 tuần vào năm 1962, Ấn Độ ghi nhận hơn 1.300 người thiệt mạng và gần 1.700 người mất tích, cùng 1.000 người bị thương. Trong khi đó, khoảng 700 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng và 1.400 người bị thương. Sau đó, hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời dọc LAC.
Ông Zhou Bo, đại diện cho quân đội Trung Quốc tham dự nhiều diễn đàn an ninh khu vực như Đối thoại Shangri-La, cũng cho rằng cả hai nước có thể có thêm động thái để thiết lập các vùng đệm tại những địa điểm nguy hiểm nhất dọc LAC.
“Tôi muốn nói rằng tốt hơn là chúng tôi không nhắm bắn vào nhau. Trung - Ấn nên trở thành thí dụ điển hình về cách các nước lớn có thể cùng tồi tại dù vẫn bất đồng về vấn đề biên giới”, ông Zhou cho hay.
Mỹ tung thêm chiêu ngăn hải quân Trung Quốc lộng hành
Mỹ có kế hoạch thành lập lực lượng hải quân đặc nhiệm ở Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)