Ngăn chặn dịch Covid-19 ở các nước: F1 tự cách ly tại nhà, kiểm soát bằng mã sức khỏe
Xét nghiệm quy mô lớn sớm nhất, cách ly F1 tại nhà hay kiểm soát người dân qua “mã sức khỏe” là các cách một số đã nước áp dụng và đạt hiệu quả ngăn chặn dịch Covid-19.
Hồi tháng 3/2020, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từng nhấn mạnh để ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19, mỗi quốc gia đều phải tổ chức cách ly, làm xét nghiệm, điều trị và theo dõi.
WHO cũng khuyến nghị cách ly, xét nghiệm và điều trị những trường hợp nghi ngờ và truy tìm tiếp xúc gần phải là xương sống của mọi quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19 để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.
Thành công của mô hình tổ chức xét nghiệm, cách ly điều trị, truy vết và cách ly kiểm dịch một cách hiệu quả đã giúp nhiều quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 thành công.
Đức lấy mẫu xét nghiệm quy mô lớn và sớm nhất để tăng khả năng phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. (Ảnh: AP) |
Đức
Đức chính là quốc gia đã tận dụng lợi thế sở hữu hệ thống y tế mạnh, cùng năng lực phòng xét nghiệm tư nhân để làm xét nghiệm số lượng lớn và sớm hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Cụ thể, Đức hiện vẫn là quốc gia có tỷ lệ bình quân đầu người được làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Đức còn triển khai các công cụ kỹ thuật số để tăng hiệu quả của việc truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.
Hàn Quốc
Các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng bao gồm đại dịch SARS năm 2002, dịch cúm H1N1 năm 2009 và MERS năm 2015 đã giúp Hàn Quốc tích lũy những kinh nghiệm quý báu phòng chống bệnh truyền nhiễm bao gồm công tác xét nghiệm nhanh, truy vết tiếp xúc và cách ly bắt buộc.
Đầu tiên, Hàn Quốc chia mọi người thành các nhóm khác nhau để tách những người có nguy cơ nhiễm virus corona ra khỏi cộng đồng. Những ca nhiễm nghiêm trọng nhất sẽ được đưa đến bệnh viện, các ca nhẹ hơn được cách ly tập trung. Trong khi đó, những người tiếp xúc gần và không có triệu chứng được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Bí kíp cách ly F1 tại nhà cũng đã giúp Hàn Quốc kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Theo đó, bất cứ ai từng tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 hay còn gọi là F1 đều phải tự cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Các F1 sẽ nhận thông báo cách ly từ lãnh đạo tỉnh thành hoặc địa phương quản lý, kèm theo quy định cách ly cụ thể. Chi phí tự cách ly được chính quyền hỗ trợ và người phải cách ly cũng có quyền nhận nghỉ phép có lương với chủ lao động.
Luật pháp Hàn Quốc cấm người đang cách ly rời khỏi vị trí, đồng thời nghiêm túc tuân thủ yêu cầu tránh xa người khác bao gồm các thành viên trong gia đình. Những người tự cách ly được giao cho một cán bộ thuộc chính quyền địa phương quản lý. Ban đầu, cán bộ kiểm tra hai lần mỗi ngày bằng cách liên lạc qua điện thoại. Nếu phát hiện người cách ly có triệu chứng, các nhóm xét nghiệm lưu động sẽ tới lấy mẫu.
Người tự cách ly tại nhà được yêu cầu cài ứng dụng trên smartphone có tên Bảo vệ An toàn Tự cách ly. Ứng dụng còn tích hợp GPS giúp theo dõi vị trí, nhằm đảm bảo họ không rời khu vực cách ly.
Người vi phạm quy định cách ly sẽ bị yêu cầu đeo vòng tay điện tử kết nối với ứng dụng. Theo luật pháp Hàn Quốc, trường hợp vi phạm có thể đối diện mức án một năm tù hoặc phạt hành chính gần 9.000 USD.
Ngoài kiểm tra tình trạng sức khỏe của người đang tự cách ly hai lần mỗi ngày, đội ngũ cán bộ quản lý còn cung cấp những hỗ trợ khác, bao gồm thực phẩm, đồ vệ sinh cá nhân, dịch vụ phát video trực tuyến để giải trí và dịch vụ tư vấn tâm lý.
Đáng nói, Hàn Quốc đã ngăn chặn hiệu quả việc lây nhiễm cho nhân viên y tế bằng cách tách bệnh nhân Covid-19 khỏi những bệnh nhân khác thông qua việc chỉ định một số khoa chuyên tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và tách biệt hẳn các khoa còn lại trong cùng một bệnh viện, đồng thời đẩy mạnh xét nghiệm và sàng lọc nhân viên y tế .
Singapore
Tương tự như Hàn Quốc, Singapore đã bảo vệ nhân viên y tế khỏi bị lây nhiễm nhờ vào các chính sách thông minh có được sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Singapore đã cho xây dựng một kho dự trữ thiết bị bảo hộ cá nhân, đồng thời nhân viên y tế đã tuân thủ nghiêm túc việc sử dụng khẩu trang phẫu thuật, vệ sinh tay và các quy trình tiêu chuẩn khác. Đảo quốc sư tử còn cho thiết lập các chính sách hỗ trợ dịch vụ giao hàng tận nhà cho những người được cách ly kiểm dịch tại nhà bao gồm cả sự tham gia của các ủy ban khu phố và các nhóm tình nguyện.
Phản ứng nhanh bằng cách khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm đại trà giúp Trung Quốc đối phó dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters) |
Trung Quốc
Từng đứng đầu thế giới về số ca nhiễm hồi đầu năm 2020, Trung Quốc hiện nằm ngoài danh sách 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất. Sau 76 ngày phong tỏa thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc vào đầu năm ngoái, nhiều đợt bùng dịch Covid-19 khác cũng đã xuất hiện tại Trung Quốc trong năm qua nhưng nhanh chóng bị đẩy lùi.
Tốc độ phản ứng nhanh chóng được xem là chìa khóa để Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, khi chưa có vắc xin Covid-19, Trung Quốc đã dựa vào các "biện pháp can thiệp phi dược phẩm" để xử lý đại dịch. Nói cách khác, trước hết Trung Quốc đã cho kiềm chế sự lây lan của virus corona thông qua kiểm soát nguồn lây và ngăn chặn lây lan, chặt đứt chuỗi lây nhiễm.
Các địa phương có số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh đã ngay lập tức tuyên bố bước vào “trạng thái thời chiến”. Các nhà chức trách căn cứ vào mức độ lây lan của dịch bệnh để điều chỉnh mức độ cảnh báo rủi ro, kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp, tiến hành khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm đại trà tại những khu vực phát hiện các ca bệnh.
Ngoài ra, lực lượng chức năng thực hiện quản lý khép kín khi triển khai kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào, kiểm soát đi lại của người dân tại các khu vực trọng điểm, đồng thời phong tỏa đối với các khu vực dân cư có mức độ rủi ro cao. Chính quyền địa phương cũng đảm bảo đủ nguồn cung và ổn định giá cả các nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày cho người dân.
Theo các chuyên gia, thành công của Trung Quốc không đến từ những biện pháp ban đầu, mà từ cách xử lý sau khi người dân được phép đi làm trở lại. Theo đó, Trung Quốc có một hệ thống "mã sức khỏe" theo màu. Các mã QR được tạo tự động và gán cho mỗi công dân để biểu thị tình trạng sức khỏe. Người khỏe mạnh có mã xanh lá, người từng tiếp xúc bệnh nhân Covid-19, biểu hiện nhiễm bệnh có mã màu đỏ hoặc vàng. Nhiều doanh nghiệp cần có giấy chứng nhận mã xanh của toàn nhân viên để tiếp tục duy trì hoạt động. Điều này khiến việc truy vết tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn.
CNN từng nhận định, Trung Quốc luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ ngay cả khi đã trở lại bình thường, có thể phản ứng nhanh với các cụm dịch mới, theo dõi người nghi nhiễm thông qua "mã sức khỏe".
Không muốn 'soán ngôi' số 1 của Trung Quốc, Ấn Độ siết chặt dân số
Trong khi Trung Quốc khuyến khích người dân sinh thêm con, chính quyền các bang ở Ấn Độ lại đang xây dựng bộ luật để tránh bùng nổ dân số.
Minh Thu (tổng hợp)