Không muốn 'soán ngôi' số 1 của Trung Quốc, Ấn Độ siết chặt dân số
Trong khi Trung Quốc khuyến khích người dân sinh thêm con, chính quyền các bang ở Ấn Độ lại đang xây dựng bộ luật để tránh bùng nổ dân số.
Ủy ban Luật của bang Uttar Pradesh, khu vực đông dân nhất của Ấn Độ, đang xem xét dự luật mang tên “Kiểm soát Dân số” nhằm ngăn chặn những người sinh trên 2 con trở thành công chức nhà nước. Bang Uttar Pradesh hiện là nơi sinh sống của 200 triệu người, chiếm gần 1/6 dân số Ấn Độ.
Dự luật Dân số bang Uttar Pradesh năm 2021 cũng đề xuất cấm các ứng cử viên có trên 2 con tham gia tranh cử ở địa phương.
Trung Quốc khuyến khích sinh thêm con, song Ấn Độ lại phải triển khai các biện pháp ngăn chặn bùng nổ dân số. (Ảnh minh họa) |
Điều đáng nói, Dự luật Dân số của bang Uttar Pradesh còn đề ra mức tiền thưởng đối với nam và nữ công dân chọn cách “triệt sản tình nguyện” sau khi sinh 1 con.
Dự luật trên sẽ được áp dụng đối với các cặp đôi đang sống dưới mức nghèo. Cụ thể, số tiền trả một lần cho những cặp đôi chỉ sinh 1 con và là con gái là 100.000 rupee (1.400 USD) và những cặp đôi sinh 1 con nhưng có con trai là 80.000 rupee (1.100 USD).
Ngoài ra, dự luật đề xuất bất cứ nhân viên nào làm việc cho các ban ngành chính phủ nếu không tuân thủ luật sẽ không được bổ nhiệm thăng chức.
“Trách nhiệm của chính quyền là bắt buộc đưa các kiến thức về kiểm soát dân số vào tất cả các trường cấp 2”, dự luật nhấn mạnh.
Đối với những người không làm việc cho các cơ quan chính phủ, dự luật đưa ra một số sáng kiến để thi hành chính sách 2 con như hạ mức lãi suất vay ngân hàng, giảm tiền điện nước và giảm thuế nhà đất.
Một phát ngôn viên của chính phủ Ấn Độ chia sẻ với IANS rằng, tỷ lệ sinh đẻ lý tưởng ở Ấn Độ là 2,1%, nhưng hiện tại tỷ lệ này đang là 2,7%. Và 2 bang Uttar Pradesh và Bihar có tỷ lệ sinh đẻ lớn hơn 2,1%.
Chính sách kiểm soát dân số ở Ấn Độ được thúc đẩy sau tuyên bố vào tháng 8/2019 của Thủ tướng Narendra Modi. Trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm Quốc khánh Ấn Độ, Thủ tướng Modi cho hay kế hoạch hóa gia đình giống như “lòng yêu nước”.
“Có một vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh vào ngày hôm nay là sự bùng nổ của dân số. Cần có cuộc thảo luận quy mô lớn và tăng nhận thức về sự bùng nổ dân số”, ông Modi chia sẻ.
Kể từ sau tuyên bố của ông Modi, một số bang nằm dưới sự điều hành của đảng BJP cầm quyền đã đề xuất sáng kiến gia đình quy mô nhỏ. Ngoài bang Uttar Pradesh, bang Assam cũng thuộc sự kiểm soát của đảng BJP đang dần hoàn thiện bộ luật kiểm soát dân số.
Theo bản nghiên cứu được Bộ Y tế Ấn Độ công bố hồi tháng 8/2020, dự tính quốc gia Nam Á này sẽ soán ngôi vị số 1 về dân số trên thế giới của Trung Quốc vào năm 2031. Dân số Ấn Độ được dự tính tăng 25% từ năm 2011 – 2036 và đạt 1,52 tỷ người.
Khác với Ấn Độ, sau nhiều năm liền ghi nhận mức sinh đẻ cực thấp vào đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, chính phủ Trung Quốc đã cho nới lỏng chính sách dân số và khuyến khích người dân sinh thêm con.
Thậm chí, mới đây, sau khi áp dụng chính sách sinh đẻ mới, số tiền phạt mà một nông dân sinh 8 con ở Trung Quốc đã được giảm xuống gần 30 lần.
Cụ thể, người nông dân họ họ Liu 50 tuổi sinh sống ở thành phố An Nhạc thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình vì sinh tới 8 người con với 2 người vợ.
Vào năm 2019, ông Liu được yêu cầu trả tổng số tiền phạt là 2,6 triệu nhân dân tệ (402.370 USD) vì sinh thêm 3 người con với người vợ thứ hai. Tuy nhiên, sau vài năm đàm phán cùng với chính sách sinh đẻ mới có hiệu lực, ông Liu đã được giảm mức tiền phạt xuống gần 30 lần và chỉ còn phải nộp phạt 90.000 nhân dân tệ (13.928 USD).
Ngoài ra, trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thành phố ở Trung Quốc sẵn sàng chi trả bảo hiểm thai sản cho cả những phụ nữ sinh con nhưng chưa kết hôn. Trước đây, những bà mẹ đơn thân sẽ bị loại khỏi danh sách hưởng bảo hiểm thai sản của chính phủ bởi họ bị coi là “vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình”.
Quân đội Trung Quốc chật vật tuyển tân binh vì tỷ lệ sinh đẻ giảm mạnh
Quân đội Trung Quốc chật vật tuyển đủ số lượng tân binh hàng năm vì tỷ lệ sinh đẻ ở nước này giảm mạnh trong nhiều năm qua.
Minh Thu (lược dịch)