Tướng Mỹ tố Trung Quốc chiếm đất của Ấn Độ ở biên giới tranh chấp
Tướng Mỹ tố Trung Quốc vẫn chưa rút quân khỏi một số vị trí chiếm đóng sau vụ đụng độ biên giới với Ấn Độ hồi năm ngoái.
Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định New Delhi “không nhường” bất cứ phân đất nào trên lãnh thổ quốc gia cho Bắc Kinh trong cuộc đối đầu biên giới kéo ở phía đông bang Ladakh, thì Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ lại nói điều ngược lại.
Đây là lý do mà một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Bharatiya Janata đã lên tiếng cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói dối dư luận về việc lãnh thổ Ấn Độ “không bị nhượng lại” cho Bắc Kinh, sau cuộc đụng độ xảy ra từ ngày 15 – 16/6/2020 tại thung lũng Galwan.
Trung - Ấn đạt được thỏa thuận rút quân khỏi biên giới tranh chấp hồi tháng Hai. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 9/3, Đô đốc Davidson lại nhấn mạnh Trung Quốc vẫn chưa rút quân khỏi “một vài vị trí tiền tuyến” từng chiếm đóng ở bang Ladakh sau các vụ đụng độ giữa quân đội Trung - Ấn.
“Tham vọng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc đang được thể hiện ở dọc biên giới phía tây, nơi quân đội Trung Quốc đối đầu với quân đội Ấn Độ dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) kể từ tháng 5/2020”, Sputnik dẫn lời Tướng Davidson.
“Quân đội Trung Quốc vẫn chưa rút quân khỏi một số vị trí tiền tuyến mà lực lượng này chiếm đóng sau vụ đụng độ ban đầu. Hậu quả của việc leo thang căng thẳng giữa Trung - Ấn đã khiến hai bên chịu thương vong”, ông Davidson nói thêm.
Tuyên bố được ông Davidson đưa ra hoàn toàn trái ngược với những gì Bộ trưởng Quốc phòng Singh đã nói trước Quốc hội Ấn Độ vào ngày 11/2.
Theo đó, ông Singh khẳng định New Delhi “không nhượng lại” bất cứ lãnh thổ nào cho Trung Quốc trong cuộc đụng độ quân sự ở phía đông bang Ladakh.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong các cuộc đàm phán, chúng ta không nhượng lại bất cứ thứ gì. Quốc hội nên biết rằng vẫn tồn tại một số vấn đề lớn liên quan tới hoạt động triển khai quân và tuần tra ở một số điểm nằm dọc LAC ở phía đông bang Ladakh”, ông Singh cho biết.
Cũng tại sự kiện này, ông Singh đã nói chi tiết về hoạt động rút quân của quân đội Trung - Ấn ở phía đông bang Ladakh.
Tiếp đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cũng đưa ra tuyên bố giống như Bộ trưởng Singh vào ngày 25/2. Theo ông Srivastava, không có phần đất nào của Ấn Độ bị rơi vào tay Trung Quốc trong thời gian xảy ra đụng độ ở vùng biên giới bang Ladakh.
Căng thẳng Trung - Ấn leo thang tới đỉnh điểm kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng 6/2020 khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng ở phía đông Ladakh. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh thừa nhận có thương vong bên quân đội Trung Quốc, nhưng vẫn giấu thông tin về số lượng cụ thể. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Tới ngày 19/2, Trung Quốc mới lần đầu tiên lên tiếng xác nhận số lượng binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya vào tháng 6/2020 là 4 người. Bốn binh sĩ Trung Quốc đã được truy tặng danh hiệu sau khi hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Hiện tại, Trung - Ấn đã cho rút quân, xe tăng và các thiết bị quân sự khỏi bờ phía bắc và phía nam của Pangong Tso, hồ băng nằm ở bang Ladakh, sau khi đại diện quân đội hai nước đạt được một thỏa thuận trong tháng Hai. Hồ Pangong Tso lâu nay là điểm nóng tranh chấp khiến quan hệ Trung - Ấn rơi vào cảnh căng thẳng kéo dài.
Phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận, các binh sĩ đóng quân ở tiền tuyến hai nước đã bắt đầu rút quân khỏi bờ phía bắc và phía nam hồ Pangong vào ngày 10/2.
Ngân sách quốc phòng hạn hẹp khiến Ấn Độ khó đấu với Trung Quốc?
Với mức tăng chi tiêu quốc phòng chỉ 1%, Ấn Độ được cho không đủ khả năng để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)