Hệ lụy của việc cấm sử dụng ngoại tệ ở Afghanistan
Kể từ khi Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul hồi giữa tháng 8, đồng nội tệ của Afghanistan đã bị mất giá và dự trữ ngoại tệ của nước này bị đóng băng ở nước ngoài.
Nhà Đông phương học Dmitry Vorodin chia sẻ với Riafan rằng, các nhà chức trách mới ở Afghanistan không chỉ nhận được một đống các vấn đề cũ của đất nước này, mà còn tiếp nhận rất nhiều vấn đề mới, mà bằng cách nào đó họ sẽ phải chiến đấu.
Trước đó, người phát ngôn chính quyền Taliban ở Afghanistan, ông Zabihullah Mujahid tuyên bố, kể từ nay bất kỳ ai sử dụng ngoại tệ để giao dịch trong nước sẽ bị khởi tố.
“Tình hình kinh tế trong nước và các lợi ích quốc gia yêu cầu tất cả người dân Afghanistan phải dùng đồng nội tệ trong mọi giao dịch”, người phát ngôn này nhấn mạnh.
Theo ông Vorodin, có thể quyết định này chủ yếu có động cơ ý thức hệ. Taliban có thể đã bị thúc đẩy hành động như vậy bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt sau khi họ nắm quyền Kabul.
“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương ở châu Âu đã phong tỏa hàng tỉ USD tài sản nước ngoài của Afghanistan, hiện Taliban đang yêu cầu giải phóng các tài sản nước ngoài này”, ông Vorodin cho biết.
Taliban công bố lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng ngoại tệ ở Afghanistan. Động thái này được đánh giá có thể làm trầm trọng thêm các khó khăn của nền kinh tế quốc gia Nam Á này. (Ảnh: Riafan) |
Ngoài ra, Nhà phương Đông học trích dẫn ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, theo đó, lệnh cấm sử dụng ngoại tệ sẽ dẫn đến sự tàn phá thêm của nền kinh tế Afghanistan, vốn đang “trên đà sụp đổ”.
“Thiếu tiền mặt, hậu quả của hạn hán, giá cả tăng cao, nạn đói quy mô lớn, cuộc khủng hoảng di cư - đây chỉ là một số vấn đề trong lĩnh vực kinh tế xã hội mà chính quyền cũ và mới của Afghanistan đang phải đối mặt. Trong khi đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn tiến hành các vụ tấn công khủng bố ngày càng nhiều”, chuyên gia lưu ý.
Trong bối cảnh đó, theo ông Vorodin, cuộc đấu tranh giữa các phe ôn hòa và cấp tiến của Taliban cũng có thể leo thang.
“Ngoại tệ chính ở Afghanistan là USD và tiền tệ của các nước láng giềng, tất nhiên, bao gồm cả đồng rupee của Pakistan, được sử dụng tích cực ở các khu vực biên giới”, Nhà phương Đông cho biết thêm.
Theo Nhà phương Đông, với vai trò của Pakistan trong các tiến trình chính trị nội bộ ở Afghanistan, “không hoàn toàn rõ ràng liệu những người Pashtun ở phía đông có thể đánh đổi và từ bỏ đồng rupee Pakistan một cách dễ dàng như vậy hay không”.
“Các vấn đề của người Afghanistan phụ thuộc trực tiếp vào tình trạng trì trệ và sau đó là sự suy giảm của nền kinh tế đất nước trong những thập kỷ gần đây. Nhiều khoản viện trợ của các nhà tài trợ quốc tế trong hơn 20 năm đã không thể tái khởi động hoàn toàn nền kinh tế Afghanistan. Việc Taliban lên nắm quyền đã làm sụp đổ nền kinh tế Afghanistan đến mức kỷ lục”, chuyên gia này kết luận.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Afghanistan hiện đang rơi vào khủng hoảng và một cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng đang hiện hữu. Dù vậy Mỹ và các nước phương Tây vẫn chưa cung cấp cho Taliban các khoản quỹ cho đến khi lực lượng này đảm bảo sẽ bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ. Nguồn tiền dự trữ trị giá khoảng 10 tỉ USD của Afghanistan ở nước ngoài cũng đang bị đóng băng.
Đặc phái viên về Afghanistan của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Deborah Lyons cho rằng, “có thể hiểu được mục đích của họ là ngăn chặn chính quyền Taliban tiếp cận nguồn tiền này. Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo những tác động không thể tránh khỏi như suy thoái kinh tế trầm trọng, đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo, đói và từ đó có thể dẫn tới làn sóng tị nạn chạy khỏi Afghanistan, thực sự khiến Afghanistan bị đẩy lùi lại nhiều thế hệ”.
OPEC+ sẽ cứu Mỹ khỏi ‘khủng hoảng’ nhiên liệu?
Mỹ cho rằng, giá dầu cao hiện tại là do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) cắt giảm nguồn cung và tăng sản lượng dầu chậm, đe dọa sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới.
Thanh Bình (lược dịch)