Đức yêu cầu Quốc hội Mỹ không trừng phạt Nord Stream 2
Axios trích dẫn các nguồn tin cho hay, chính phủ Đức kêu gọi Quốc hội Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) và lưu ý rằng đường ống này không gây ra mối đe dọa cho Ukraine.
“Chúng tôi lo ngại các hành động đơn phương mới của Quốc hội Mỹ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương trong mối quan hệ với Nga”, tài liệu của đại sứ quán Đức tại Washington cho biết.
Theo đó, mặc dù Đức đang tích cực hỗ trợ dự án, nhưng chính sách đối ngoại của nước này theo hướng Nga “không hề dịu đi theo bất kỳ cách nào”.
“Đức và Mỹ sẽ không để Moscow sử dụng năng lượng làm vũ khí chính trị”, nguồn tin nhấn mạnh.
Đức yêu cầu Quốc hội Mỹ không trừng phạt Nord Stream 2 |
Ngoài ra, theo phía Berlin, đường ống dẫn khí đốt sẽ không đe dọa Ukraine chừng nào khí đốt được quá cảnh qua lãnh thổ nước này.
Đức quyết tâm thực hiện thành công các thỏa thuận song phương đã đạt được trước đó vào ngày 21/7 với mục đích “tăng cường an ninh năng lượng của Ukraine và châu Âu, cũng như ngăn chặn Nga lạm dụng đường ống cho các mục đích chính trị”.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nord Stream 2.
Theo ông Blinken, chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 tàu và một công ty Nga liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
“Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với công ty vận tải biển có tên Transadria Ltd và con tàu Marlin của công ty này. Lệnh trừng phạt sẽ liên quan đến phong tỏa tài sản”, thông cáo báo chí cho biết.
Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách hạn chế kinh tế. Các nghị sĩ đang thúc đẩy sửa đổi ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm 2022 bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2.
Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, ngược lại, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn loại trừ các biện pháp trừng phạt ngân sách thông qua đảng Dân chủ tại Quốc hội và ngăn chặn việc đưa ra các hạn chế tài chính đối với các công ty Đức.
Trước đó, Cơ quan mạng lưới điện liên bang Đức (BNA) thông báo, tạm đình chỉ tiến trình phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 giữa Nga với Đức vì công ty vận hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp nước này.
Tuyên bố của BNA nêu rõ trước hết doanh nghiệp điều hành đường ống của Nga (Nord Stream 2 AG) phải được tổ chức và hoạt động theo luật pháp của Đức, sau đó cơ quan này mới có thể phê duyệt dự án. Nếu dự án không được phê duyệt, khí đốt từ Nga sang Đức sẽ không thể vận chuyển qua đường ống này.
Theo BNA, hiện tại, tập đoàn điều hành Nord Stream 2 dự định chỉ thành lập một công ty con tại Đức để quản lý hệ thống đường ống, đoạn đi qua lãnh thổ Đức, song điều đó là không đủ. Thủ tục pháp lý của Đức yêu cầu các tài sản và nguồn nhân lực chính phải được chuyển từ công ty mẹ sang chi nhánh tại Đức. Công ty con này sẽ sở hữu và vận hành phần đường ống ở Đức.
Ngoài ra, theo quy trình, sau khi được BNA phê duyệt Nord Stream 2 vẫn cần Ủy ban châu Âu (EC) kiểm tra trước khi BNA đưa ra quyết định cuối cùng.
Nga ‘siết chặt’ châu Âu trong vòng vây năng lượng
Tờ Jyllands-Posten của Đan Mạch viết, Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, chủ yếu từ Nga và mùa thu đông 2021 là một bài kiểm tra "đau đớn nhất" về điều này.
Thanh Bình (lược dịch)