Điều chưa biết về vắc xin Covid-19 đạt 99% hiệu quả phòng bệnh của Iran và Cuba
Vắc xin Covid-19 đạt 99% hiệu quả phòng bệnh của Cuba và Iran được cấp phép sử dụng khi đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm và còn được tiêm cho trẻ nhỏ.
Hôm 10/10, Viện trưởng Viện Pasteur Iran là Tiến sĩ Alireza Biglari tuyên bố vắc xin Covid-19 Pasteurcovac, sản phẩm hợp tác giữa Iran và Cuba, đạt hiệu quả ngừa Covid-19 lên tới 99%.
IRNA đưa tin, trong bài phát biểu tóm tắt quá trình phát triển của vắc xin Covid-19 Pasteurcovac, Tiến sĩ Biglari nhấn mạnh đây là loại vắc xin Covid-19 duy nhất trên thế giới được sản xuất liều tăng cường cùng lúc với 2 liều chính và cũng là vắc xin duy nhất phù hợp với đối tượng người tiêm từ 3 tuổi trở lên.
Iran đang nghiên cứu cùng lúc hơn 10 loại vắc xin Covid-19. (Ảnh: Anadolu Agency) |
Ông Biglari cho biết thêm, vắc xin Covid-19 Pasteurcovac cũng là loại duy nhất đã được điều chỉnh để ngăn chặn các biến chủng mới của virus corona.
Ngoài ra, vắc xin Covid-19 Pasteurcovac đã trải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 trên 44.000 tình nguyện viện ở Cuba và 24.000 tình nguyện viên ở Iran. Kết quả cho thấy, vắc xin đạt 91,6% hiệu quả phòng Covid-19 sau tiêm mũi tăng cường.
Tiến sĩ Biglari cho hay, sau khi tiêm mũi thứ 3 vắc xin Covid-19 Pasteurcovac, vắc xin sẽ kích thích khả năng miễn dịch hơn 99%.
Vắc xin Covid-19 Pasteurcovac còn được gọi là Soberana 2 ở Cuba là sản phẩm hợp tác giữa Cuba và Iran.
Theo các số liệu được công bố hồi cuối tháng Chín, 16% dân số Iran đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 và 18% dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.
Sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin được xem là nguyên nhân chính khiến chiến dịch tiêm phòng toàn dân của Iran bị tiến hành chậm và muộn.
Khác với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Iran từ chối tham gia quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 các loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất.
Thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc, Iran từng được nhận 4,2 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca hồi tháng Hai. Cũng trong giai đoạn này, Bộ trưởng Y tế Iran lại tuyên bố chỉ có những loại vắc xin Covid-19 sản xuất nội địa mới được tiêm cho người dân.
Tuy nhiên, hồi tháng Chín, Bộ trưởng Y tế Iran Bahram Eynollahi lại thông báo Tehran đã đặt mua 2,4 triệu liều vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA của hãng Pfizer, và 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Johnson & Johnson. Phụ nữ có thai sẽ là đối tượng tiêm các loại vắc xin này, cùng nhân viên y tế để tiêm mũi tăng cường.
Iran phát triển hơn 10 loại vắc xin Covid-19
Hồi tháng Tám, chia sẻ với Nature Portfolio, người đứng đầu phòng nghiên cứu virus tại Viện Pasteur của Iran là ông Kayhan Azadmanesh cho hay Tehran đang phát triển hơn 10 loại vắc xin Covid-19 và trong số này đã có 2 loại được cấp phép sử dụng.
Iran nằm trong số những nước đầu tiên ghi nhận ca nhiễm virus corona, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới hồi đầu năm 2020. Iran đã trải qua đợt dịch thứ 5 với sự hoành hành của biến chủng Delta. Các chuyên gia từng dự đoán Iran có hơn 4,3 triệu người mắc Covid-19 và 97.000 người tử vong. Nhưng con số thực tế được cho còn lớn hơn rất nhiều.
Theo số liệu công bố hồi tháng Tám, Iran đã tiêm hơn 18 triệu liều vắc xin Covid-19 bao gồm Sinopharm của Trung Quốc, AstraZeneca của Anh, COVIran Barekat do Tập đoàn Công nghiệp Dược phẩm Shifa của chính phủ Iran sản xuất, cùng Sputnik V của Nga và Covaxin của Ấn Độ.
Cấp phép sử dụng khi còn đang nghiên cứu giai đoạn 3
Iran đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với 2 loại vắc xin Covid-19 nội địa là COVIran Barekat và Pasteurcovac vào tháng Sáu.
Vắc xin COVIran Barekat sử dụng công nghệ bất hoạt truyền thống. Vắc xin này được chính phủ Iran cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng Sáu khi còn đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 cho thấy, 93% người tiêm vắc xin COVIran Barekat có kháng thể chống Covid-19.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tiêm vắc xin Covid-19 nội địa COVIran Barekat hồi tháng Sáu. (Ảnh: Nature Portfolio) |
Ông Azadmanesh thừa nhận, các nhà khoa học Iran vẫn chưa rõ vắc xin COVIran Barekat đạt hiệu quả phòng bệnh trong bao lâu. Nhưng theo nhà khoa học Iran, do cùng sử dụng công nghệ bất hoạt nên COVIran Barekat có thể đạt hiệu quả phòng Covid-19 tương đương như CoronaVac, vắc xin Covid-19 do công ty Sinovac Life Sciences của Trung Quốc sản xuất. Theo đó, lượng kháng thể sẽ giảm sau 6 tháng và cần phải tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, vắc xin Covid-19 Pasteurcovac được sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp bằng cách cấy một gene mã hóa từ protein của virus vào vật chủ (tế bào động vật hoặc vi sinh vật). Pasteurcovac là sản phẩm hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Vắc xin Finlay ở Havana của Cuba và Viện Pasteur của Iran.
Vắc xin Pasteurcovac cũng đươc chính phủ Iran cấp phép sử dụng trong nước khi còn đang trải quan giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vào tháng Sáu.
Tại Cuba, vắc xin Pasteurcovac được gọi với cái tên Soberana 02. Trong một bài viết về Soberana 02, chuyên gia Helen Yaffe đến từ Đại học Glasgow ở Scotland đánh giá loại vắc xin này đặc biệt hơn các loại vắc xin Covid-19 khác của Cuba. Nguyên nhân là do Soberana 02 là loại vắc xin duy nhất của Cuba kết hợp miền liên kết thụ thể của SARS-CoV-2 với vi khuẩn uốn ván đã bị vô hiệu hóa để tăng cường phản ứng miễn dịch.
Vào tháng Chín, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm đại trà vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên bằng hai loại vắc xin Covid-19 được sản xuất trong nước là Soberana 02 và Soberana Plus.
Chương trình tiêm chủng kết hợp 2 liều Soberana 02 và sau đó là liều thứ 3 Soberana Plus. Trong đó, vắc xin Soberana đạt hiệu quả 91,2% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhiễm virus corona ở trẻ em.
Liên quan tới việc nghiên cứu cùng lúc hơn 10 loại vắc xin phòng Covid-19, ông Azadmanesh nhấn mạnh Iran không thể chỉ dựa vào nguồn cung vắc xin từ cộng đồng quốc tế để đối phó với dịch bệnh. Đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Iran cũng đang gặp khó khăn trong việc mua thuốc men. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dân trong nước, các nhà khoa học Iran đã tự nghiên cứu và phát triển nhiều loại vắc xin như cách Trung Quốc đang làm.
Viện Pasteur của Iran được thành lập vào năm 1920 và là nơi sản xuất các loại vắc xin phòng bệnh dại, lao, sởi, quai bị và chống virus HPV.
Ông Azadmanesh cho biết thêm, do hiện không thể tự cung đủ số lượng vắc xin Covid-19 để tiêm cho người dân, Iran đã cho nhập hàng triệu liều vắc xin Covid-19 của những nước khác.
Gần 95% trẻ từ 6 - 12 tuổi tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, Campuchia đẩy nhanh tiêm mũi 2
Campuchia đang tiến hành tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 6 - 12 tuổi sau khi tỷ lệ tiêm mũi 1 của nhóm này là gần 95%.
Minh Thu (lược dịch)