Chiến lược 'zero Covid-19' của Trung Quốc có còn hiệu quả?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh chiến lược "zero Covid-19", song Trung Quốc vẫn kiên định thi hành.
Một số quốc gia trên thế giới từng áp dụng các biện pháp khắt khe suốt nhiều tháng để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nhưng nay, các nước này đang từng bước nới lỏng những quy định hạn chế để phòng bệnh. Nguyên nhân là do chính phủ các nước muốn khôi phục nền kinh tế quốc gia, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 đang ngày càng tăng cao.
Nhưng Trung Quốc, quốc gia đi đầu trong thực hiện lệnh phong tỏa và kiểm soát biên giới chặt chẽ để phòng dịch Covid-19, sẽ vẫn duy trì trạng thái “chờ xem” để cân nhắc điều chỉnh chính sách "không khoan nhượng với Covid-19". Đây là tuyên bố vào ngày 6/10 của ông Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc .
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 2/2020. (Ảnh: China Daily) |
“Chúng tôi đang tiến hành thảo luận về một chiến lược mới ở Trung Quốc và mọi thứ đang linh hoạt”, ông Gao nhấn mạnh, các cơ quan y tế đã nhiều lần thay đổi các nghị định và đã “sẵn sàng cho mọi khả năng tái điều chỉnh”.
“Tuy nhiên, chúng ta hiện chưa sẵn sàng xem Covid-19 chỉ là dịch bệnh ở địa phương, mà nó vẫn đang là đại dịch. Tại thời điểm này, Covid-19 tiếp tục là nguyên nhân khiến nhiều người tử vong, và người dân chưa sẵn sàng về mặt tâm lý”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Gao.
Hồi đầu tuần này, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc là ông Chung Nam Sơn nhận định Trung Quốc chỉ nên gỡ bỏ toàn bộ các hạn chế ở biên giới một khi những nước khác chỉ còn vài ca bệnh và khi đại đa số người dân Trung Quốc đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Cho tới nay, ít nhất 78% dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng cơ sở cách ly chuyên dụng với sức chứa hàng ngàn du khách quốc tế dường như là điểm báo quốc gia này sẽ không sớm cho gỡ bỏ các hạn chế du lịch.
Điều chỉnh chính sách "zero Covid-19"
Khác với Trung Quốc, nhiều quốc gia khác dù có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 thấp hơn, nhưng họ cũng đang tiến hành đánh giá lại các chính sách phòng bệnh và hướng tới mở cửa biên giới để khôi phục kinh tế.
Điển hình, trong tuần này, New Zealand tuyên bố điều chỉnh chính sách "không khoan nhượng với Covid-19" để chuyển sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Theo thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, chính sách phòng dịch được thay đổi theo từng giai đoạn và chính đợt bùng phát mới do biến chủng Delta là nguyên nhân thúc đẩy sự thay đổi này. Bà Ardern khẳng định, hoạt động tiêm phòng vắc xin Covid-19 sẽ hỗ trợ cho những thay đổi trong chính sách phòng chống dịch ở New Zealand.
Australia cũng đang có kế hoạch nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới khắt khe vào tháng tới. Theo đó, thành phố Sydney muốn nới lỏng các quy định hạn chế sau gần 4 tháng phong tỏa, khiến các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và cửa hàng bán lẻ phải dừng đóng cửa.
Singapore tuyên bố đang chuyển sang chiến lược “sống chung với virus corona”. Tuy nhiên, do số ca mắc Covid-19 bất ngờ tăng cao trở lại, Singapore buộc phải tạm hoãn việc mở cửa thêm.
Những tuyên bố trên đã đánh dấu sự thay đổi lớn đối với một phần của thế giới, nơi từng áp dụng và duy trì kiểm soát khắt khe để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, chính phủ của nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương từng thực hiện những biện pháp kéo dài phong tỏa và đóng cửa biên giới lâu hơn bất cứ nơi nào khác.
Vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn áp dụng phong tỏa ngắn hạn đối với các điểm nóng phát hiện có ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động di chuyển nội địa và sinh hoạt hàng ngày phần lớn không bị ảnh hưởng trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện, do chính phủ Trung Quốc đã cho kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới.
Phó Giáo sư Kwok Kin-on ở Đại học Hong Kong nhận định, tỷ lệ 20% người dân chưa tiêm phòng, nguy cơ các biến chủng virus corona mới xuất hiện, khả năng miễn dịch cộng đồng bị suy giảm trở thành nỗi lo đối với chính quyền Bắc Kinh.
Nỗi lo càng lớn hơn khi mà Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh sẽ diễn ra vào tháng 2/2022. Sự xuất hiện của số lượng lớn các vận động viên quốc tế có thể khiến Trung Quốc phải chứng kiến số ca mới mắc Covid-19 tăng nhanh, theo ông Kwok.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế Trung Quốc sẽ cần chuyển đổi sang giai đoạn mới trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 bởi dịch bệnh dường như sẽ không sớm biến mất.
Ông Kwok cũng cho biết, sự thay đổi của Trung Quốc sẽ còn phụ thuộc vào tác động của các biến chủng có khả năng lây lan nhanh như Delta, hoặc các biến thể mới của virus corona sẽ xuất hiện trong tương lai.
“Sau khi Delta trở thành biến thể chính gây bệnh, trên thực tế, chính sách 'không khoan nhượng với Covid-19' không còn phù hợp để áp dụng. Nói cách khác, sống chung với Covid-19 dường như là biện pháp khả thi nhất”, ông Kwok nói.
“Trung Quốc sẽ cho phép một số mức độ nhiễm bệnh, họ cũng sẽ giám sát số ca mới mắc Covid-19 và tỷ lệ phải nhập viện điều trị”, ông Kwok khẳng định, khi xuất hiện những thách thức đối với hệ thống y tế, Bắc Kinh có thể “hành động phong tỏa ngay lập tức, truy vết tiếp xúc và đóng cửa biên giới”.
Còn theo ông Nicholas Thomas, chuyên gia an ninh y tế kiêm Phó Giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa các đường biên giới thêm thời gian dài nữa, nước này vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ.
“Nếu Trung Quốc ưu tiên nhổ tận gốc Covid-19 mà không có một chiến dịch tiêm phòng vắc xin mới nhờ vào các loại vắc xin đạt hiệu quả phòng bệnh cao hơn, Trung Quốc sẽ chỉ tự tách biệt mình với hoạt động thương mại và đi lại toàn cầu”, ông Thomas nhận định.
“Dù quy mô thị trường nội địa Trung Quốc hiện lớn và tăng trưởng nhanh, Trung Quốc vẫn có thế đối mặt với nguy cơ thiếu vốn và về lâu dài, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đổi hướng sang các nền kinh tế chấp nhận rủi ro dịch bệnh trong cuộc sống hàng ngày”, ông Thomas kết luận.
Vì sao nhiều người Singapore thích tiêm mũi 3 vắc xin Trung Quốc?
Tiêm 2 mũi đầu vắc xin Covid-19 của Mỹ, nhiều người Singapore lại chọn tiêm mũi tăng cường Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất
Minh Thu (lược dịch)