Dầu mỏ Nga làm ‘xói mòn’ EU?
Theo tờ Hürriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng Hungary và Slovakia không thể đồng ý với điều này.
Tác giả của bài viết lưu ý, Liên minh châu Âu (EU) tin rằng, vấn đề có thể được giải quyết bằng cách trao thêm thời gian cho hai quốc gia này. Nhưng các thành viên khác của Liên minh châu Âu cũng có những phàn nàn.
Cụ thể, đề xuất cấm dầu Nga của Ủy ban châu Âu vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số nước thành viên EU. Trong đó, Hungary và Slovakia là những quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga đã chính thức thông báo cho Brussels rằng họ không thể chấp thuận đề xuất theo hình thức hiện tại, mặc dù thực tế là họ được cho một thời gian chuyển tiếp dài hơn các nước thành viên khác.
Đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ của hai quốc gia này là mong muốn đạt được những nhượng bộ lớn hơn nữa. Ở vị trí của Hungary và Slovakia không gây bất ngờ cho Brussels. Tuy nhiên, giai đoạn này, câu hỏi đặt ra là liệu Budapest và Bratislava có tiếp tục “đấu tranh” đến cùng hay không?
Mới đây nhất, Thủ tướng Hungary Viktor Orban chỉ trích Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen “tấn công sự đoàn kết của khu vực” bằng kế hoạch cấm dầu Nga.
Lệnh cấm vận dầu mỏ được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga. (Ảnh: RIA) |
“Chủ tịch Ủy ban châu Âu, dù cố ý hay vô tình, đã tấn công sự đoàn kết của châu Âu. Ngay từ những giây phút đầu tiên, chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ có một lằn ranh đỏ. Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ này”, Thủ tướng Hungary phát biểu trên đài phát thanh quốc gia hôm 6/5.
Theo phát ngôn viên chính phủ Hungary, Zoltan Kovacs, 65% lượng dầu và 85% nguồn cung khí đốt của nước này đến từ Nga.
Mở cửa cho các cuộc đàm phán
Kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU đã có thể “làm việc hòa thuận” cùng nhau về vấn đề trừng phạt chống Nga và không làm mất đi hình ảnh của một liên minh duy nhất.
Trong khi các gói trừng phạt mới nhất được coi là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang dần trở nên tồi tệ hơn, theo quan điểm của Brussels, các quan chức EU tin rằng sự phản đối của Hungary và Slovakia có thể được khắc phục nếu được cấp thêm thời gian.
Thực tế là tín hiệu đầu tiên của Hungary về gói trừng phạt có nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể chấp nhận mọi thứ trong hình thức này” - cho thấy Budapest đang mở cửa cho các cuộc đàm phán.
Thủ tướng Hungary gọi lệnh cấm vận dầu Nga “giống quả bom hạt nhân ném xuống nền kinh tế Hungary”, và nói thêm rằng thời gian cho phép nước này tiến tới giảm phụ thuộc dầu Nga vào cuối năm 2023 là không đủ. Theo ông Orban, quá trình chuyển đổi hệ thống truyền dẫn và cung cấp năng lượng của Hungary có thể phải mất 5 năm.
Trong khi, Slovakia coi giai đoạn chuyển tiếp với dầu Nga được đề xuất là ngắn và nước này đang yêu cầu được phép bắt đầu tuân thủ lệnh cấm từ cuối năm 2025.
Czech, mặc dù không vững chắc như Hungary và Slovakia, nhưng cũng nằm trong số những nước cần thêm thời gian. Và ở phía bên kia của khu vực đồng tiền chung Euro, các nước coi thời hạn được cấp là quá dài và phản đối việc nhượng bộ thêm, bao gồm Ba Lan và các nước Baltic.
Sự lo lắng của Hy Lạp
Sự phản đối được nhận thấy đối với gói trừng phạt không giới hạn do Ủy ban Châu Âu đặt ra. Theo đó, gói này cũng đề xuất cấm các tàu treo cờ EU hoặc thuộc sở hữu của công dân EU vận chuyển các sản phẩm dầu của Nga. Hürriyet cho hay, sự phản đối phần này đến từ Hy Lạp, Síp và Malta.
Nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ dầu mỏ Nga được cho là dễ hơn giảm phụ thuộc vào khí đốt. (Ảnh: RIA) |
Mới đây, Hy Lạp thông báo thả một tàu chở dầu của Nga mà họ đã bắt giữ. “Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã được lệnh thả con tàu”, một quan chức chính phủ nước này thông báo, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.
Trước đó, hôm 19/4, tàu Pegas chở dầu có mang cờ Nga đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp bắt giữ vì cho rằng vi phạm lệnh trừng phạt của EU cấm tàu Nga vào các cảng của nước này.
Mặc dù Pegas bị coi là thuộc sở hữu ngân hàng Promsvyazbank do Chính phủ Nga hậu thuẫn, nhưng sau đó con tàu này được cho là đã bán cho một nhà sở hữu khác vào tháng 4 năm ngoái.
Được biết, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất cấm tất cả các tàu mang cờ Nga hoặc mang cờ khác nhưng thuộc quyền sở hữu của Nga. Tuy nhiên, Hy Lạp, Síp và Malta đã chặn các lệnh trừng phạt đối với các tàu thuộc sở hữu của Nga.
Mục tiêu ngày 9/5
Để giải quyết các vấn đề trong gói trừng phạt này, nhiều cuộc họp nằm trong chương trình nghị sự của các nước EU đã được tổ chức. Tâm trạng chung là các vấn đề không nan giải. Tuy nhiên, chắc chắn rằng từ bây giờ sẽ có những cuộc thương lượng khó khăn. Đức được cho là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán về các gói trừng phạt mới.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu ủng hộ việc đạt được đồng thuận vào ngày 9/5 - Ngày châu Âu (ngày kỷ niệm hòa bình và thống nhất ở châu Âu). Tuy nhiên, việc chấp nhận gói trừng phạt này cần có sự chấp thuận của tất cả các nước EU.
Trước đó, Chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 4/5 nêu kế hoạch EU loại bỏ nguồn cung dầu thô từ Nga trong vòng 6 tháng và loại bỏ các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga vào cuối năm nay - đây như là động thái cứng rắn nhất phản đối chiến sự tại Ukraine.
EU nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.
Hôm 1/5, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga cho biết, vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua Ukraine, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khu vực này. Yêu cầu cung cấp khí đốt của châu Âu đã tăng từ 71,7 triệu m3 trong ngày 30/4 lên 97,2 triệu m3 trong ngày 1/5.
Theo hợp đồng của Gazprom, lượng khí đốt vận chuyển sang Ukraine trong năm nay lên tới 40 tỷ m3, tương đương khoảng 109,6 triệu m3/ngày. Kể từ cuối tháng Hai, hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine gần đạt mức này và chỉ giảm nhẹ trong vài ngày hồi giữa tháng Ba.
Thanh Bình (lược dịch)
Vì sao Israel trở thành ‘miền đất hứa’ của các tỷ phú Nga?
Hộ chiếu Israel là một trong những hộ chiếu được các tỷ phú Nga săn lùng nhiều nhất và việc các chương trình hộ chiếu vàng ở châu Âu ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc nó sẽ ngày càng trở nên phổ biến đối với những người siêu giàu.
Những khoảnh khắc đặc sắc trên khắp thế giới tuần qua
Những sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, nổi bật trên khắp thế giới trong tuần vừa qua được những nhiếp ảnh gia ghi lại qua những bức ảnh đặc sắc dưới đây.