Áp lực đang đè nén đập Tam Hiệp của Trung Quốc
Đập Tam Hiệp, con đập lớn nhất thế giới của Trung Quốc đang đứng trước áp lực chưa từng có, nhiều cảnh báo nguy hiểm về con đập này đã được đưa ra.
Từ đầu tháng 6/2020, Trung Quốc bước vào mùa mưa lũ nhưng năm nay có cường độ bất thường với cảnh báo mưa bão được ban hành liên tục 26 ngày, theo Tân Hoa xã. Từ đầu tháng, mực nước của 197 con sông đã vượt mức cảnh báo, trong đó có nhiều con sông ở thượng nguồn đập Tam Hiệp.
Đập Tam Hiệp nằm ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Nguồn: appledaily.com. |
Truyền thông chính thức của Trung Quốc CCTV cũng thông báo, do các trận mưa lớn gần đây, mực nước của đập Tam Hiệp ở sông Dương Tử đã vượt quá giới hạn kiểm soát lũ gần 2 mét. Theo chuyên gia thủy lợi Trung Quốc Vương Duy Lạc, đập Tam Hiệp đang đối mặt với áp lực lớn chưa từng có, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mưa lớn, nguy cơ vỡ đập luôn luôn tồn tại.
Ông Vương Duy Lạc phân tích rằng, có 3 lý do cho tỷ lệ vỡ đập cao ở Trung Quốc: Thứ nhất, 50% là do lỗi thiết kế đập, trong đó sai lầm lớn nhất là thiết kế dung lượng lưu trữ nước quá nhỏ và tác động của mưa lớn bị đánh giá thấp. Thứ hai, 40% là do chất lượng thấp, sự cố vỡ đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam năm 1975 là điển hình của vấn đề này, 10% cuối cùng là do lỗi vận hành.
Vùng trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử là nơi có mật độ dân số rất cao ở Trung Quốc, với tổng dân số khoảng 600 triệu người. Nếu đập Tam Hiệp ở sông Dương Tử thực sự bị vỡ, khu vực đầu tiên phải chịu gánh nặng là thành phố Nghi Hưng, nơi có 700.000 người sinh sống.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng cảnh báo, kể từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã tích lũy được lượng mưa nhiều hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng 148 con sông và hồ chứa nước như các sông Tây Giang, Bắc Giang thuộc lưu vực sông Châu Giang, sông Tương Giang thuộc lưu vực sông Trường Giang và hệ thống hồ Phiên Âm… đều có lượng nước vượt qua mức cảnh báo. Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, một số dòng sông có lũ vượt quá các ghi chép lịch sử, điều này cho thấy tình hình phòng chống lũ là rất nghiêm trọng.
Hiện nay, chưa có thông tin chính thức nào về việc đập Tam Hiệp có nguy cơ vỡ, tuy nhiên tờ "Tin tức Bắc Kinh" và China News đã trích dẫn đánh giá của một số chuyên gia thủy lợi Trung Quốc cho biết, đập Tam Hiệp đã có độ dịch chuyển ngang khoảng 3 cm. Giải thích về vấn đề này, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc Trương Bác Đình hôm 28/6 cho rằng, đây chỉ là biến dạng đàn hồi và là hiện tượng thường thấy trong các công trình lớn.
Mưa lũ đang đe dọa đến đập Tam Hiệp và hàng triệu người dân Trung Quốc. Nguồn: appledaily.com. |
Đập Tam Hiệp được xây dựng trên sông Dương Tử đoạn chảy qua thị trấn Tam Đẩu Bình, tỉnh Hồ Bắc với 3 mục đích chính là sản xuất điện, kiểm soát lũ và hỗ trợ giao thông đường thủy. Dự án khởi công vào năm 1994 gây nhiều tranh cãi với những tác động đến môi trường và khiến hàng triệu người phải di dời tái định cư. Năm 2012, con đập trị giá 26 tỉ USD cao 185 m, dài 2.335 m chính thức hoạt động đầy đủ công suất và được coi là thành tựu lớn của Trung Quốc.
Dự án đập Tam Hiệp nằm trên tuyến đường thủy quan trọng, kết nối hàng loạt thành phố lớn như Trùng Khánh, Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải. Tàu thuyền lớn từ TP.Thượng Hải ở bờ biển Hoa Đông có thể di chuyển hơn 2.000 km để đến Trùng Khánh. Năm 2015, thang nâng lớn nhất thế giới được đưa vào vận hành tại đập Tam Hiệp, giúp đưa tàu nặng đến 3.000 tấn đi qua con đập để tiếp tục hành trình trên sông Dương Tử. Bên cạnh đó, con đập còn có hệ thống âu tàu giúp đưa tàu thuyền lên đến 10.000 tấn đi qua đập.
Ngoài các giá trị về kinh tế, dân sinh, đập Tam Hiệp có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc và là mục tiêu có thể bị tấn công trong trường hợp chiến tranh. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, Quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và còn thiết lập vùng cấm bay quanh khu vực đập Tam Hiệp để phòng thủ. Con đập được một đơn vị cảnh sát vũ trang canh gác và quân đội còn triển khai trực thăng, tàu tuần tra, xe bọc thép và lực lượng gỡ bom gần đó. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thường xuyên thực hiện nhiều cuộc tập trận chống khủng bố trong khu vực, giả định ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tàu chứa chất nổ.
Con đập này đang đối mặt với áp lực thiên tai khủng khiếp, hôm 8/6, mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp được xả xuống còn 145 m để “chừa chỗ” cho mùa lũ đang tới, nhưng đến ngày 19/6 mực nước đo được là 147 m, cao hơn 2 m so với mức cảnh báo lũ trong khi lượng nước dồn về con đập tăng lên so với ngày trước đó.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 27/6 dẫn thông báo của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cho biết, đợt mưa lũ vài tuần qua đã khiến khoảng 774.000 người ở khắp 26 tỉnh phải sơ tán, với 81 người mất tích hoặc chết, và 10.000 ngôi nhà đổ sập. Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có đập Tam Hiệp, nhiều thành phố bị ngập lụt nặng, đường phố bị nhấn chìm và xe cộ bị cuốn trôi. Tổng mức thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 3,8 tỉ USD với 14 triệu người bị ảnh hưởng. Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các khu vực miền tây nam Trung Quốc và hạ lưu sông Dương Tử.
Nhìn lại thảm họa vỡ đập khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc
Thảm họa vỡ đập ở Hà Nam năm 1975 là thảm họa nhân tạo khủng khiếp nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng là bài học để Bắc Kinh xây dựng đập Tam Hiệp.
Đức Trí (lược dịch)