The Diplomat: Nga yếu thế, Trung Quốc càng vô lối ở Biển Đông
The Diplomat cho rằng, trong năm 2016, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự hung hăng của Trung Quốc. Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề trên Biển Đông đang bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đang diễn ra đối với Mỹ (cuộc bầu cử tổng thống sắp tới), Nhật (thay đổi chính sách quốc phòng) và đặc biệt là mối quan hệ Nga – Trung.
Vai trò của Nga là mối quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam. Nga vốn là đối tác hợp tác quân sự - kỹ thuật lâu năm của Việt Nam, có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam. Hôm 14/4, sau 30 tháng thi công, nhà máy đóng tàu Ba Son Việt Nam đã hạ thủy hai tàu tên lửa thuộc dự án 12418 Molniya do Nga thiết kế được xây dựng cho Hải quân Việt Nam.
Trung Quốc còn đang định đưa nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. Trong ảnh là hình vẽ minh họa loại nhà máy này trên báo Trung Quốc. |
Tuy nhiên, hôm 14/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, bày tỏ lo ngại về phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông. Trong đó, ông cho rằng, không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Đáp lại, ông Lê Hải Bình nói: "Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì chỉ giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, như vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam sẽ luôn nỗ lực theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Biển Đông theo luật pháp quốc tế đặc biệt theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Theo The Diplomat, tuyên bố này phản ánh hy vọng của Việt Nam rằng, Nga sẽ có lập trường tích cực hơn về vấn đề Biển Đông.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc. |
Theo The Diplomat, sở dĩ Nga công khai bày tỏ quan điểm có lợi cho Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là bởi những áp lực gần đây từ Mỹ và phương Tây đối với Moscow liên quan đến tình hình Ukraine, Syria.
Sau khi sáp nhập Crimea và các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Syria và Ukraine, Nga đang cần phải ưu tiên môi quan hệ với Trung Quốc. Gần đây, Moscow và Bắc Kinh cũng đã cùng lên tiếng phản đối tuyên bố chung của Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về Biển Đông.
Giá dầu lao dốc đã ảnh hưởng đến vị thế của Nga trong các vấn đề quốc tế cũng như khiến Nga phải phụ thuộc vào nguồn tài chính từ Trung Quốc.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2015 GDP của Nga đã giảm 3,7% và dự kiến năm 2016 sẽ là 4,7%.
Những vấn đề kinh tế của Moscow cũng giúp Trung Quốc có ưu thế hơn trong mối quan hệ Nga - Trung. Ví dụ, năm 2014, Nga đã phải nhanh chóng thúc đẩy thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí tới Trung Quốc với trị giá 400 tỷ USD để có thêm thị trường xuất khẩu năng lượng do nhiều vấn đề nảy sinh đối với việc bán khí đốt sang châu Âu.
Ngoài ra, giá dầu sụt giảm còn có lợi cho Bắc Kinh về nhiều mặt bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu khí đốt lớn thứ ba thế giới và nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Giá dầu thấp không chỉ giúp Trung Quốc giảm chi phí sản xuất mà còn giúp nước này có thêm những lợi ích địa chính trị, đặc biệt là từ Nga.
Trước khó khăn trên cùng những hàng động hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việt Nam thất vọng với những bình luận từ Ngoại trưởng Nga và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. The Diplomat bắt đầu ra mắt từ năm 2002 và cho đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà bình luận, nhà hoạch định chính sách và các học giả chuyên sâu về các vấn đề trong khu vực này.