Thanh niên Việt kiều kiên quyết giữ chủ quyền biển đảo
Sáng 22/7, hơn 200 thanh niên kiều bào Việt Nam từ 25 nước trên thế giới đã đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Cuộc trở về theo tiếng gọi của cội nguồn
Người CSGT phạt cả tài xế xe chở Phó Thủ tướng
Các thanh niên kiều bào đang sinh sống, học tập tại 25 nước trên thế giới tỏ ra hết sức háo hức khi được cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu và tận mắt chứng kiến những tư liệu, bằng chứng lịch sử, đặc biệt là những tấm bản đồ cổ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay.
Đó là các bản đồ cổ của Việt Nam như "Đại Nam nhất thống toàn đồ" do vua Minh Mạng cho vẽ năm 1838, "Bản quốc địa đồ" trong sách "Khải đồng thuyết ước" khắc in dưới triều Tự Đức cùng các bản đồ của quốc tế như bản đồ do Petrus hoặc Pieter vẽ năm 1594, "India Orientalis (Đông Ấn Độ) Jodocus Hondius vẽ năm 1613, "The Principal Islands of the East-Indies (những quần đảo chính ở Đông Ấn Độ) do Herman Moll xuất bản ở London (Anh) năm 1723, "Carte de I' Asia" (Bản đồ châu Á) Homann Heirs vẽ năm 1744, Ost-Indien (Đông Ấn Độ) do Steler's Hand-Atlas ấn hành tại Gotha (Đức) năm 1870, "Southeast Asia" (Đông Nam Á) do National Geographic Magazine xuất bản ở Mỹ năm 1961, "Bản đồ China" (Trung Quốc) do Rand McNally xuất bản ở (Mỹ) năm 1904...
và được cán bộ giới thiệu cặn kẽ về những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Ảnh: HC) |
Đặc biệt, các thanh niên kiều bào đã xem rất chăm chú các tấm bản đồ do chính nhà nước xuất bản "Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ" do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản năm 1933 (thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc), "Fuels anh Power" (các nguồn năng lượng và nhiên liệu) là ấn bản đặc biệt của Cục Mỏ (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) xuất bản năm 1975, tức sau khi Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, được Việt kiều Trần Thắng hiện sống tại Mỹ sưu tập và hiến tặng cho TP Đà Nẵng (Infonet đã đưa tin).
Tất cả đều khẳng định cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, chứ không như những chứng lý do Trung Quốc nguỵ tạo sau này, nhất là "đường lưỡi bò", để cho rằng họ có "chủ quyền lịch sử" đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Sau khi được giới thiệu kỹ về các bằng chứng lịch sử, nhiều thanh niên kiều bào đã chăm chú chụp hình tấm bảng ghi lại di ngôn của Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) - vị minh quân đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến - trong sắc dụ gửi viên quan trấn thủ biên giới Lê Cảnh Huy năm 1473:
"Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di".
Các thanh niên kiều bào xem rất chăm chú các bản đồ cổ của Việt Nam, quốc tế và Trung Quốc |
Trái tim như bị xé ra một phần!
Sau khi xem triển lãm, em Trần Mỹ Hiền (sinn ra ở Ba Lan, hiện là học sinh cấp 3 sống cùng bố mẹ ở Ba Lan) cho biết: "Từ rất lâu rồi em đã quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng. Xem cuộc triển lãm này, em càng có thêm được nhiều bằng chứng để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà là của Việt Nam. Trung Quốc không có quyền chiếm đóng nó. Và em càng mong muốn Việt Nam sớm giành lại được chủ quyền đối với Hoàng Sa!".
Em Phạm Ninh Dũng sinh ra ở Cộng hoà Czech và hiện đang học đại học kinh tế năm thứ nhất tại Praha cho hay, cộng đồng người Việt ở Cộng hoà Czech rất bức xúc mỗi khi hay tin ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp trên biển Đông thuộc chủ quyền lãnh hải của mình nhưng bị tàu Trung Quốc vô cớ bắt bớ, đánh đập, giam giữ, cướp bóc tài sản, bắn cháy tàu, đe doạ tính mạng....
"Theo em biết thì cộng đồng người Việt ở Cộng hoà Czech rất ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên biển Đông. Bà con người Việt mình bên đó đều cho rằng việc Trung Quốc đưa ra "đường lưỡi bò" là quá tham lam, bất chấp luật pháp quốc tế và rất nhiều người Czech cũng đồng tình với nhận định đó!" - em Phạm Ninh Dũng nói.
Đặc biệt, các thanh niên kiều bào rất chú ý tấm bản đồ "Fuels anh Power" (các nguồn năng lượng và nhiên liệu). Đây là ấn bản đặc biệt của Cục Mỏ (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) xuất bản năm 1975, tức sau khi Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng trong đó vẫn không hề đề cập đến cái gọi là "Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc" (Ảnh: HC) |
Đặc biệt, sau khi xem rất chăm chú hình ảnh về bia chủ quyền của Việt Nam xây dựng từ năm 1938 trên quần đảo Hoàng Sa, về lễ "Khao lề Thế lính Hoàng Sa", về những khu mộ gió dành cho lính Hoàng Sa, trên mỗi ngôi mộ đều có tên tuổi những người lính đã hy sinh vì Hoàng Sa, em Nguyễn Tiến Thành (ở Áo) đặt tay lên ngực, nói với chúng tôi: "Em rất đau xót mỗi khi nói đến việc Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép. Em cứ thấy việc đó giống như trái tim của người Việt Nam mình bị xé ra, bị mất đi một phần!".
Nguyễn Tiến Thành cho biết, em sinh ra ở Hà Nội được bốn tháng rưỡi thì theo bố mẹ sang Áo và sống ở đó đến nay. Cậu học sinh cuối cấp 3 đang chuẩn bị thi đại học nói: "Dù Trung Quốc chiếm Hoàng Sa nhưng đó trước sau vẫn là mảnh đất thiêng liêng của Việt Nam. Trái tim người Việt vẫn luôn coi đó là đất nước mình. Các chiến sĩ Việt Nam từ xưa đến nay đã chiến đấu và sẽ không ngừng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Em tin sẽ đến một ngày Việt Nam đòi lại được chủ quyền đối với Hoàng Sa. Bọn em dù từ xa xôi về nhưng cũng là người Việt Nam nên cũng luôn hun đúc tâm nguyện đó!".
Ít thông tin đến kiều bào
Rồi Nguyễn Tiến Thành nói thêm: "Trung Quốc muốn dùng "đường lưỡi bò" hòng biến biển Đông thành "ao nhà" của họ là hoàn toàn vô lý, vì thực chất chỉ cần nhìn trên bản đồ là thấy không thể của Trung Quốc được. Ngay cả những bản đồ của Trung Quốc trước đây cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa không phải của họ".
Sau khi xem triển lãm các bằng chứng lịch sử, nhiều thanh niên kiều bào đã chụp ảnh tấm bảng ghi lời di ngôn của đức minh quân Lê Thánh Tông: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di" (Ảnh: HC) |
Cậu học sinh kiều bào trở về từ Áo tâm sự, báo chí bên đó không có nhiều thông tin về vấn đề biển Đông, dù tranh chấp trên vùng biển này là vấn đề lớn trong đời sống chính trị quốc tế. Một phần do cộng đồng người Việt tại Áo chỉ vài ngàn người, nhưng phần lớn là do những thông tin của Việt Nam về việc khẳng định chủ quyền lãnh hải trên biển Đông, nhất là chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa đưa qua tới bên đó rất hiếm hoi.
"Hầu như những gì em biết về biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa đều do tự mày mò trên mạng và tìm hiểu thêm mỗi khi được về thăm Việt Nam. Từ cuộc triển lãm này, em càng có thêm nhiều bằng chứng để nói với bạn bè bên Áo và nhiều nơi khác em có dịp đi qua là "Hoàng Sa, Trường Sa là đất nước Việt Nam". Vì em là người Việt Nam, nên dù sống xa Tổ quốc thì em vẫn biết Tổ quốc của mình ở đâu. Em rất tự hào mình là người Việt Nam, tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc mình và sẽ cố gắng giữ mãi truyền thống đó để truyền lại cho thế hệ sau!" - Nguyễn Tiến Thành nói.
Em cho rằng nhà nước Việt Nam cần có biện pháp để đưa thêm nhiều thông tin về vấn đề biển đảo, về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là những người Việt trẻ mà do mới sinh ra, lớn lên sau này, phần đông dưới 30 tuổi nên họ rất thiếu thông tin, thiếu kiến thức về vấn đề này. Một khi các kiều bào trẻ hiểu biết rõ thêm về vấn đề này thì mỗi người sẽ là một tuyên truyền viên rất đắc lực cho Việt Nam ra cộng đồng quốc tế trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Em Nguyễn Tiến Thành (Việt kiều Áo) đặt tay lên ngực: "Em rất đau xót mỗi khi nói đến việc Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép. Em cứ thấy việc đó giống như trái tim của người Việt Nam mình bị xé ra, bị mất đi một phần!" (Ảnh: HC) |
Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Mặt trận phía Bắc và Mặt trận phía Nam
Ông Vũ Tuấn Hải, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hoá của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho hay, đây là năm thứ 10 "Trại hè Việt Nam" được tổ chức cho các thanh niên kiều bào có thành tích học tập, lao động và có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng cộng đồng đoàn kết, hướng về quê hướng đất nước về nước để tìm hiểu, học hỏi về lịch sử, văn hoá, truyền thống dân tộc và sự phát triển của đất nước, góp phần vào việc tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Cùng với chuyến tham quan những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, trong đợt trại hè lần này các thanh niên kiều bào còn tham dự nhiều lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ đất nước.
Hôm 14/7, ngay sau lễ khai mạc "Trại hè Việt Nam 2013", tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), các thanh niên kiều bào đã tham dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở Mặt trận phía Bắc (trong chiến dịch MB84 ngày 12/7/1984, khoảng 600 người đã hy sinh, hơn 1.000 người bị thương khi đánh chiếm ba cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm đóng trước đó tại biên giới Thanh Thuỷ của huyện Vị Xuyên - PV). Khi vào đến TP.HCM, ngày 26/7 tại nghĩa trang Bến Dược, đoàn cũng sẽ tổ chức lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Mặt trận phía Nam.