Nhậu triền miên, thanh niên mắc ung thư giai đoạn muộn mới phát hiện
Chia sẻ với phóng viên, Ths. BS Thân Văn Thịnh - Phó khoa Khám bệnh (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) cho biết, qua thống kê và quan sát tại bệnh viện cho thấy số ca mắc ung thư được phát hiện đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Theo đó, thống kê 8 tháng đầu năm, BV Ung bướu Hà Nội phát hiện 3.306 ca mắc ung thư mới. Con số tăng rất nhiều so với các năm trước và cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Không chỉ gia tăng số ca mắc mới, nhiều trường hợp dù tuổi còn rất trẻ nhưng đã mắc ung thư và phát hiện ở giai đoạn muộn nên gặp khó khăn trong quá trình điều trị.
Cụ thể, bác sĩ Thịnh đã gặp trường hợp bị ung thư lưỡi giai đoạn cuối, người bệnh là một nam thanh niên mới 26 tuổi. Mà nguyên nhân do thói quen rất phổ biến ở nam giới Việt Nam- uống rượu bia.
Đây là trường hợp mà khi đến viện thì vùng lưỡi của bệnh nhân đã bị áp xe, chảy máu nhiều. Gia đình cho biết, dù mới 26 tuổi nhưng thanh niên này dùng rất nhiều rượu bia, uống quên ăn, quên ngủ. Sau đó một thời gian, vùng lưỡi bệnh nhân có vết loét, ban đầu chỉ nghĩ là nhiệt miệng nên tự mua thuốc về bôi nhưng không đỡ.
Bệnh nhân đi khám tuyến dưới được chẩn đoán áp xe miệng lưỡi và điều trị bằng kháng sinh nhưng không cải thiện tình hình. Trong thời gian này, bệnh nhân còn dùng các loại thuốc lá để uống vì cho rằng cơ thể nóng trong nên phát nhiệt.
Thế nhưng 3-4 tháng sau tình trạng “nhiệt miệng lưỡi” vẫn không cải thiện, vết loét bốc mùi hôi thối, nam bệnh nhân sút cân nhanh chóng. Lúc này, bệnh nhân mới đến BV Ung bướu Hà Nội khám. Chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư, BS Thịnh chỉ định sinh thiết kết quả khẳng định bị ung thư.
“Trường hợp này đáng buồn vì phát hiện bệnh quá muộn, bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật vì tổn thương xâm lấn rộng vào tận cuống lưỡi, di căn hạch cổ. Nên chúng tôi chỉ điều trị giảm nhẹ và bệnh nhân tử vong sau đó không lâu”, BS Thịnh thông tin.
Bác sĩ này cũng ái ngại cho biết dù ngành y tế liên tục cảnh báo nhưng số người ung thư liên quan đến rượu bia vẫn không ngừng gia tăng.
“Trong khi đó, người mắc ung thư vùng khoang miệng - thực quản đa phần liên quan đến rượu bia, trường hợp bệnh nhân trẻ 26 tuổi trên là một ví dụ điển hình. Ngay ngày đầu tiên đi làm trong năm mới 2022, tôi đã phát hiện 16 trường hợp mắc ung thư do liên quan đến rượu bia. Ngoài rượu bia, ung thư lưỡi còn liên quan đến hút thuốc lá, ăn trầu, ăn đồ nóng quá nhiều…”, bác sĩ Thịnh thông tin.
Lý giải vì sao ung thư lưỡi có liên quan đến rượu bia, bác sĩ Thịnh cho rằng các tác nhân như cồn gây ra bỏng tổn thương niêm mạc mãn tính kéo dài, dị sản, loạn sản và xuất hiện ung thư. Đồ nóng cũng dễ gây bỏng niêm mạc. Còn đối với ăn trầu, do ăn kèm với vôi nên nếu duy trì thói quen lâu, có thể gây nóng và bỏng niêm mạc, khiến tổn thương và ung thư xuất hiện.
Một yếu tố khiến cho tình trạng phát hiện bệnh ung thư lưỡi muộn theo bác sĩ Thịnh là do người bệnh còn hay nhầm lẫn với nhiệt miệng nên nhiều người chủ quan, không đi khám sớm. Đến khi tổn thương lan rộng, đi khám thì đã ở giai đoạn muộn, di căn gây khó khăn trong quá trình điều trị.
“Khi bị tổn thương ở vùng lưỡi sẽ dẫn tới việc ăn uống khó khăn, từ đó cơ thể sụt cân và suy kiệt rất nhanh. Do vậy, khi thấy vùng miệng lưỡi có dấu hiệu bất thường, tổn thương, vết loét xuất hiện 3 tuần không khỏi cần phải sớm đi khám để phát hiện ung thư (nếu có)”, bác sĩ Thành khuyến cáo.
Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Theo thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 263.900 ca mới mắc và khoảng 128.000 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2009 có 10.530 trường hợp ung thư mới mắc, 1900 trường hợp tử vong.
Theo thông tin từ Bệnh viện K vài năm gần đây số ca ung thư lưỡi ngày càng gia tăng tại bệnh viện.
Dấu hiệu sớm ung thư lưỡi:
Các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh.
Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Khoảng 50% bệnh nhân có hạch ngay từ đầu. Hạch hay gặp là hạch dưới cằm, dưới hàm, cảnh cao. Khả năng di căn hạch vùng từ 15-75% tuỳ thuộc vào độ xâm lấn của u nguyên phát.
N. Huyền