Thanh Hóa: Nỗ lực phát triển kinh tế biển
Là tỉnh có bờ biển dài và vùng biển rộng với 6 huyện, thị xã, những năm gần đây với chủ trương phát triển kinh tế biển, vùng biển Thanh Hóa đã tạo ra những bước tiến mới, khẳng định vai trò quan trọng về kinh tế, QP-AN đối với tỉnh và khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ. | |||||||
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi vươn khơi.. Năm 2014 mặc dù tình hình khai thác thủy sản trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng với những chính sách đầu tư, khuyến khích ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ đã tạo nên hiệu quả tích cực, góp phần tăng sản lượng thủy sản, đời sống ngư dân ngày càng được cải thiện. Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có 7.244 tàu, thuyền, công suất bình quân 54 CV/tàu, trong đó tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên khai thác xa bờ: 1.210 chiếc, ngư trường khai thác chính ở Vịnh Bắc Bộ. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2014 ước đạt trên 84.000 tấn, tại các ngư trường trọng điểm Vịnh Bắc Bộ xuất hiện nhiều loại cá nổi với số nghề khai thác có hiệu quả như lưới vây sâu rút chì, câu vàng, lưới chụp mực... ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia và T.X Sầm Sơn. Trong thời kỳ vừa qua tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng biển đạt cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của tỉnh và khu vực ven biển cả nước. Đặc biệt, với sự ra đời và từng bước đi vào hoạt động của KKT Nghi Sơn đã tạo bước ngoặt lớn về phát triển kinh tế vùng biển, chuyển mạnh từ chủ yếu là khai thác thủy sản, nuôi trồng và du lịch, đã từng bước phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, tạo cho vùng biển Thanh Hóa có xuất phát điểm phát triển mới khi bước vào thời kỳ 2011 - 2020, đi trước nhiều nơi trong khu vực ven biển cả nước, và đang dần trở thành 1 trong 3 trung tâm kinh tế ven biển và kinh tế biển trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, việc hình thành các cụm kinh tế ven biển ở các cửa lạch đang được xây dựng và đi vào hoạt động đã tạo đà cho giai đoạn tăng tốc phát triển kinh tế biển, đảo từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện tốt hơn cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân vùng biển. Một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng như cảng biển, đường nối khu kinh tế, khu du lịch với đường Hồ Chí Minh, QL1A được xây dựng đã thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biển. Qua đó, công tác an sinh xã hội có những chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân trong vùng được nâng lên một bước, một số chỉ tiêu về phát triển con người đạt cao hơn so với mức chung của tỉnh, bình quân mỗi năm giảm được 4,3% số hộ nghèo. Tín hiệu khả quan Dự báo trong 10 đến 20 năm tới quá trình phát triển của khu vực ven biển Bắc Trung Bộ và của dải ven biển miền Trung cả nước còn tiếp tục có nhiều thay đổi, bứt phá do tác động của việc xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng vùng biển. Để theo sát quá trình phát triển kinh tế vùng biển, Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên về đầu tư phát triển đối với kinh tế vùng biển. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định nhiệm vụ chủ yếu là tập trung nguồn lực, khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, phấn đấu kinh tế vùng biển chiếm tỷ trọng cao trong GDP của tỉnh. Những phiên biển bội thu của ngư dân. Đồng thời Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra 5 chương trình trọng tâm, trong đó có 2 chương trình liên quan mật thiết đối với vùng biển và ven biển là chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và chương trình phát triển KT-XH vùng ven biển. Trên cơ sở đó, để triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng biển đến năm 2020, từ đó phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh trong thời gian tới. Để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ở vùng ven biển đạt 23 đến 24%, GDP bình quân đầu người đạt 2.700 USD vào năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 4% trở lên trong những năm tiếp theo, đòi hỏi phải có những chiến lược cụ thể và khả năng nắm bắt cơ hội, bối cảnh tác động thuận lợi đến quá trình phát triển KT-XH vùng biển của tỉnh. Tin rằng trong thời kỳ tới, dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển sẽ mở ra nhiều cơ hội để vùng biển Thanh Hóa huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, các khu du lịch, khu đô thị mới ven biển và tại một số đảo. Từ đó tạo đột phá thúc đẩy phát triển nhanh, vững chắc KT-XH vùng biển, góp phần đảm bảo QP-AN và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. |