Thanh Hóa làm tốt công tác quản lý về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa làm tốt công tác tuyên truyền quản lý tàu thuyền. |
Tuyên truyền, quản lý khai thác tàu cá đạt kết quả cao
Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa tính đến ngày 20/5/2019 toàn tỉnh có tổng số lượng tàu cá khai thác hải sản là 7.289 chiếc, trong đó có 6 .242 tàu đã được đăng ký.
Với số lượng tàu cá khai thác hải sản lớn nên trong 6 tháng đầu năm sản lượng khai thác hải sản ước đạt 61.715 tấn, bằng 108,1% cùng kỳ và bằng 50,3% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng khai thác biển 59.795 tấn bằng 107, 9% cùng kỳ và bằng 50,44% so với kế hoạc đề ra; khai thác nội địa 1.920 tấn, bằng 110,6% cùng kỳ và bằng 46,5% so với kế hoạch.
Chi cục KT&BVNLTS phối hợp với Vụ khai thác thủy sản (Bộ Nông nghiệp) tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý thủy sản ở các địa phương, cán bộ, nhân viên Chi cục KT&BVNLTS và các cảng cá về luật thủy sản mới.
Ngoài ra, việc tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật về luật thủy sản; cấm đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đánh bắt cá bất hợp pháp của liên minh Châu Âu (IUU); treo nhiều băng rôn, các bản tin trên truyền hình, phát thanh; tổ chức tập huấn cho ngư dân 3 huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn về các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phát 5.000 tờ rơi về một số quy định pháp luật ngư dân cần biết về chống khai thác hải sản bất hợp pháp..., thực thi pháp luật về bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Về khai thác, tàu cá và hậu cần nghề cá: Chi cục KT&BVNLTS cũng đã phối hợp với các địa phương ven biển rà soát lại nhu cầu các chủ tàu cá đăng ký tham gia hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; thành lập đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn các cảng cá, các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá...; xây dựng dự thảo các tiêu chí đặc thù về quy trình xét duyệt hồ sơ về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển.
Sáu tháng đầu năm sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh ước đạt hơn 61 nghìn tấn. |
Tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển cũng cố, phát triển Tổ Đoàn kết trên biển; nắm bắt tình hình hoạt động khai thác hải sản của các chủ tàu cá 67; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép theo định kỳ; tiếp nhận thông tin về vụ việc phát sinh đột ngột khi đánh bắt trên biển theo đường dây nóng; thường xuyên đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu theo quy định.
Quản lý nguồn lợi và môi trường thủy sản theo quy định
Chi cục KT&BVNLTS đã phối hợp với các địa phương ven biển triển khai, thực hiện tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa năm 2019; xây dựng nội dung băng rôn, tờ rơi và tài liệu tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền các nội dung của Luật Thủy sản. Xây dựng và đề xuất hỗ trợ chủ tàu cá khai thác tại vùng biển ven bờ thực hiện giải bản, chuyển đổi sang các nghề khai thác thủy sản được ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các vùng thủy vực tự nhiên, hồ chứa nước, phối hợp UBND TP Thanh Hóa thả 1.000kg cá nước ngọt xuống sông Mã; phối hợp với TP. Sầm Sơn xử lý vi phạm đối với tàu cá khai thác và sơ chế cá nhám voi thuộc danh mục cá quý hiếm, nguy cấp; phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình, kiểm tra và đôn đốc thực hiện công tác bảo vệ NLTS; phối hợp với Phòng CSGT thực hiện việc tuần tra, kiểm soát khu vực ven biển Thanh Hóa.
Thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát trên biển của tàu 210HP, nắm bắt tình hình hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng cửa sông, biển, xử phạt nhiều tàu vi phạm.
Lực lượng chức năng tiến hành tuần tra. (Ảnh: Sở NN&PTNT) |
Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục KT&BVNLTS, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như người dân vẫn lén lút sử dụng xung điện, khai thác sai vùng, sử dụng các công cụ khai thác bất hợp pháp, tình trạng va chạm tàu cá, tai nạn trên biển vẫn diễn ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cấp, ngành thiếu lực lượng, thiếu phương tiện kỹ thuật, thiếu kinh phí, vùng biển quản lý rộng cũng như ý thức của người dân.