Tháng Năm nhớ Bác, tri ân một nhân cách sáng ngời
Tri ân một nhân cách sáng ngời
Mỗi năm, cứ vào dịp tháng Năm về, các tổ chức, đoàn thể trên khắp cả nước và kiều bào ở nước ngoài lại nô nức tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890) - vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Tính đến năm 2022, Người đã đi xa về cõi người hiền được 53 năm nhưng hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách, đạo đức Người để lại cho chúng ta thì vẫn vẹn nguyên và trở thành di sản vô giá sống mãi cùng non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Hải Duyên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Những ngày Tháng Năm lịch sử này, không chỉ thế hệ sinh viên chúng em mà mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Lớp thế hệ thanh niên chúng em những ngày này trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả khi hướng về Ba Đình lịch sử, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính”.
Cùng quan điểm, cựu chiến binh Đỗ Trung Quân (Long Biên, Hà Nội) đã ở cái tuổi xưa nay hiếm cho biết: Đã 53 năm kể từ ngày Người đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong lòng những người cựu chiến binh chúng tôi. Tôi còn nhớ như in một lần Bác Hồ về thăm đơn vị, tôi chỉ là một anh nuôi nhưng được Bác thăm hỏi và động viên. Người hỏi han công việc của tôi có vất vả không, bữa cơm của chiến sĩ được chúng tôi chuẩn bị thế nào, trong quá trình phục vụ đồng đội có khó khăn gì? Hình ảnh về Người cùng những lời động viên làm tôi nhớ mãi.
Thực tế, hình ảnh về vị cha già dân tộc trong mắt những người như ông Quân hay bạn Duyên dù cách nhau cả vài thế hệ nhưng cùng có một điểm chung, đó là luon dành sự thành kính và biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – một tấm gương sáng về đạo đức, một nhân cách lớn về tư tưởng. Nhớ về Người những ngày tháng Năm này cũng là cách tri ân tới một vĩ nhân, một con người đã làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi
Trở lại với tâm sự của Nguyễn Hải Duyên, cô bí thư của Học viện Nông nghiệp chia sẻ: Trong chương trình học của sinh viên có bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo trình với 5 tín chỉ không nhiều cũng không ít, nhưng đã đủ khái quát được tư tưởng của Người đối với cách mạng Việt Nam nói chung, đối với các thế hệ thanh niên Việt Nam nói riêng.
Ngược dòng thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bối cảnh lịch sử hun đúc, quê hương xứ Nghệ rèn rũa đã tạo nên bản lĩnh thép và ý chí Hồ Chí Minh. Một con người Việt Nam tiêu biểu, hội tụ đủ các phẩm chất cách mạng mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, ý trí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng đồng, đoàn kết dân tộc. Chính nền văn hóa ấy cùng với những ảnh hưởng tích cực của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần to lớn vào sự hình thành và sự phát triển tư tưởng của Người.
“Năm 21 tuổi, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Qua gần 40 nước khắp năm châu bốn biển, Bác đã làm đủ mọi nghề để sống và tìm con đường cứu nước cứu dân. Bản lĩnh ấy, trí tuệ ấy ở độ tuổi như chúng em hiện nay khiến chúng em thực sự xúc động và thấy mình cần học hỏi hơn nữa để xứng đáng với Người. Chỉ bằng con đường tự học, Bác đã làm cho cả thế giới kinh ngạc về trí tuệ, sự uyên bác thông thái của Người trên mọi phương diện. Bác có thể nói được 29 ngôn ngữ, chưa kể tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngoài ra Người còn là nhà thơ, nhà báo, nhà văn… ở lĩnh vực nào Người cũng xuất sắc”, Nguyễn Hải Duyên xúc động nói.
Nam Phương