Tham vọng quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc ngày càng lộ liễu
Điều này khiến các nước trong khu vực không hài lòng, đặc biệt là các nước khẳng định có chủ quyền trên Biển Đông và Mỹ.
Ảnh chụp các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên bãi đá Vành Khăn vào ngày 11/5 vừa qua. |
Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ban đầu chỉ là tạo nền đất lên các bãi đá trên biển. Giờ đây, nó đang bước vào giai đoạn tiếp theo khi nhiều tòa nhà, cảng biển và đặc biệt là đường băng đang dần xuất hiện trong những tháng qua.
Theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Học viện Lowy tại Sydney (Úc), các căn cứ mới của Trung Quốc có thể sẽ “có ảnh hưởng lớn đối với tình hình an ninh trong khu vực” khi tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc được mở rộng.
Trung Quốc vẫn tỏ ra rất mập mờ về hoạt động xây dựng các đường bằng trên các đảo tranh chấp. Trong một cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm từ chối tiết lộ số đường băng mà Trung Quốc sẽ xây dựng cũng như mục đích sử dụng của chúng, đồng thời khẳng định rằng các cơ sở quân sự tại đó “hoàn toàn để hỗ trợ quốc phòng”.
Bắc Kinh khẳng định rằng phần lớn Biển Đông cùng các đảo đều thuộc chủ quyền của nước này và từ năm ngoái đến nay, nước này đã xây dựng 7 đảo nhân tạo mới trên quần đảo Trường Sa, có tổng diện tích lên đến 800 hecta, theo những tấm ảnh vệ tinh do chính phủ Mỹ chụp lại.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định hoạt động xây dựng của họ là hợp pháp và không gây hại đến an ninh khu vực, nước này đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự mạnh bạo ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền.
Vào tháng 10, Trung Quốc đã cho triển khai các máy bay J-11 ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Thông tin này được tiết lộ trên các trang mạng của Trung Quốc và Bắc Kinh đã từ chối bình luận về thông tin này.
Đô đốc Harry B. Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ khu vực Thái Bình Dương, đi ngang qua một tấm ảnh chụp các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên đá Chữ Thập. |
Theo các ảnh chụp từ vệ tinh, hiện Trung Quốc có một đường băng dài 2,4km trên đảo Phú Lâm, và sắp tới họ sẽ có một đường băng dài 3km trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Một đường băng khác hiện đang được thiết lập trên bãi đá Subi, trong khi đó hoạt động xây dựng khác cũng đã bắt đầu ở bãi đá Vành Khăn.
Các hoạt động tuần tra của máy bay đóng trên các đảo này được cho là nhằm đe dọa các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền của khu vực tranh chấp. Điều này cũng sẽ khiến các chiến dịch của Hải quân Mỹ trong khu vực gia tăng, khi nước này lên tiếng khẳng định quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
“Trong thời điểm căng thẳng, giá trị của các cuộc tuần tra trên không của Trung Quốc là rất đáng kể”, ông Graham nói.
Ông Hans Kristensen, một chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc cho biết, hệ thống đường băng trong các khu vực tranh chấp sẽ cho phép các máy bay Trung Quốc có thể tiếp nhiên liệu, sửa chữa và trang bị vũ khí mới khi cần thiết mà không phải bay một quãng đường dài tới căn cứ không quân Trung Quốc gần nhất tại đảo Hải Nam.
Hệ thống đường băng do Trung Quốc xây dựng cũng là một vấn đề lớn trong trường hợp Bắc Kinh tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Khi đó, các sân bay sẽ trở thành bãi đáp cho các máy bay tuần tra, thậm chí tiến hành không kích khi cần thiết.
Trước đây, Trung Quốc đã từng công bố kế hoạch thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013, một động thái mà Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác phản đối.
Ngoài ra, vị trí thuận lợi của các đường băng, nằm gần các tuyến đường biển quan trọng cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, cũng sẽ giúp Trung Quốc có được những khoáng sản cần thiết để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Nếu chúng ta tìm được những bằng chứng qua những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có một khối lượng lớn nhiên liệu được tích trữ trên các đảo nhân tạo, đó sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc có ý định biến khu vực này trở thành căn cứ không quân”, ông Graham nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.