Tên lửa hành trình của Nga - tác nhân khiến Mỹ và NATO “bị sốc”
Tên lửa hành trình của Nga |
Những đòn tấn công bằng tên lửa có cánh của Nga vào các vị trí của IS tại Syria không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn mang nhiều ý nghĩa về chính trị. Đó là sự khẳng định với thế giới rằng tiềm lực quân sự của Nga rất mạnh, mạnh hơn cả thời Liên Xô cũ.
Ngay sau khi tờ “Quan điểm” của Nga đăng tải đoạn video về loạt phóng đầu tiên các tên lửa có cánh hiện đại nhất của Nga “Kalibr-NK” do Bộ Quốc phòng Nga thực hiện, tính đến ngày 8/10 đoạn video này đã thu hút được hơn 2,7 triệu lượt xem. Các chính trị gia, các nhà phân tích chính trị trên toàn thế giới đã đưa ra nhiều ý kiến về sự thay đổi cán cân quyền lực và những khả năng mới của Nga khi áp dụng thành công loại vũ khí hiện đại này.
Mỹ và NATO “bị sốc”
Bộ chỉ huy NATO ngay lập tức đã lên tiếng cáo buộc Nga đang làm “tăng cường các hoạt động quân sự và điều đó khiến NATO quan ngại”.
“NATO có thể và sẵn sàng bảo vệ tất cả các đồng minh của mình, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, khỏi bất cứ mối đe dọa nào” – Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vội vàng tuyên bố. Theo Jens Stoltenberg “NATO cùng với Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên đánh giá tình hình” để có những bước đi cần thiết.
Mỹ cũng tỏ ra quan ngại trước các đòn tấn công IS bằng tên lửa có cánh của Nga. Đô đốc William Gortney - Tư lệnh Lực lượng phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cho rằng, với những khả năng hiện nay, lực lượng không quân tầm xa của Nga hoàn toàn có thể thực hiện các đòn tấn công Mỹ và Canada mà không cần phải rời khỏi không phận nước Nga.
Theo William Gortney, không quân tầm xa của Nga đã vượt trội về mặt chất lượng so với thời Liên Xô, và việc đánh chặn các tên lửa của Nga khó khăn hơn rất nhiều so với việc đánh chặn các máy bay ném bom chiến lược của nước này.
Do đó, không quân tầm xa và các tên lửa có cánh được bắn đi từ tàu ngầm, tàu nổi, các thiết bị hoạt động trên biển của Nga thực sự là mối đe dọa đối với NORAD nên Mỹ cần phải có những bước đi cần thiết để phòng chống.
Đô đốc William Gortney cũng cho rằng hiện học thuyết phát triển lực lượng vũ trang của Nga đã có nhiều đổi khác so với thời Liên Xô. Nga triển khai các tên lửa có điều khiển có độ chính xác cao và có bán kính hoạt động rộng đến mức không quân tầm xa của Nga có thể không cần phải rời không phận Nga mà vẫn có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân thông thường để tiêu diệt các mục tiêu và các căn cứ tối quan trọng ở Canada, Mỹ, khu vực Tây Bắc bờ biển Thái Bình Dương.
Trước đó, trong ngày 7/10, các tàu chiến thuộc Hạm đội Caspian của Nga đã phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr- loại tương tự như tên lửa Tomahawk của Mỹ và đôi khi còn được gọi là “sát thủ đối với tàu sân bay”, vào các mục tiêu của IS nằm cách đó 1.500 km.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa tiêu diệt IS hôm 7/10 vừa qua.
Chuyên gia Christopher Harmer thuộc “Viện nghiên cứu chiến tranh” của Mỹ cũng phải bày tỏ quan ngại trước khả năng tác chiến của Kalibr: “Có khả năng trên giấy là một chuyện, việc thể hiện trong điều kiện tác chiến lại là chuyện khác. Những đòn tấn công tên lửa của Nga không chỉ thể hiện sức mạnh của Hạm đội Nga mà còn hỗ trợ tích cực cho liên minh chống Mỹ đang hình thành ở Trung Đông”.
Theo chuyên gia Jusstin Bronk thuộc kênh truyền hình Al-Jazeera, tên lửa có cánh của Nga là bằng chứng hùng hồn để chứng minh rằng Nga có đủ khả năng để sử dụng hỏa lực của mình ở khoảng cách xa. “Nga không đơn giản là chỉ chứng minh khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách rất xa mà còn cho thấy họ đang sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất mà hiện chỉ có các công ty Mỹ mới có khả năng sở hữu”- Jusstin Bronk kết luận.
Ngoài ra, theo Jusstin Bronk, một mục đích rất quan trọng của Nga khi phóng tên lửa vào IS từ khoảng cách 1.500 km là nhằm chứng minh “Nga có đủ khả năng cạnh tranh với phương Tây trên trường địa chính trị quốc tế và nhằm buộc Mỹ và các đồng minh phải coi Nga như là một đối thủ địa chính trị then chốt ở Trung Đông.
Còn theo nhận định của tờ USA Today, đòn tấn công bằng tên lửa có cánh của Nga nhằm vào IS cho thấy Nga đang nâng dần mức độ can thiệp vào tình hình Syria và đó là mối đe dọa thực sự đối với chính sách của Mỹ ở Syria.
Đáng chú ý, ngay sau khi Nga phóng tên lửa tiêu diệt IS từ khoảng cách 1.500 km, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bày tỏ quan ngại khi cho biết Mỹ không nhận được cảnh báo nào từ phía Nga về các đòn tấn công này và tên lửa của Nga bay cách các thiết bị bay không người lái của Mỹ chỉ vài dặm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.