Tây Ninh: Vì đâu hồ sơ đất đai tăng đột biến?
Những tháng gần đây, lượng hồ sơ liên quan đến đất đai như chuyển nhượng, tách thửa đất- trong đó có đất nông nghiệp- tăng đột biến khiến các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở các huyện, thị xã, thành phố luôn trong tình trạng “quá tải”.
Để bảo đảm cảnh trật tự tại nơi làm việc, trụ sở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tân Biên phải treo bảng cấm người bán vé số vào trong mời khách.
TRANH THỦ TRƯỚC GIỜ “G” ?
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng “xẻ thịt” đất nông nghiệp, tạo nên cơn sốt đất “ảo”. Có hiện tượng trên là do các “cò đất” môi giới bất động sản đã mua đi bán lại nhiều lô đất, là hoạt động đầu cơ có tổ chức, được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm mục đích “thổi giá”, gây “sốt”, tạo “sóng ảo” về nhu cầu, nhằm đẩy giá lên cao, tạo các giao dịch “mồi” để dụ khách hàng "nhẹ dạ cả tin" vào mua đất. Khi người dân đầu tư mua thông qua các giao dịch, càng tạo nên cơn sốt đất ảo.
Tình trạng này kéo theo một số hệ luỵ cho xã hội như: gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để phát triển kinh tế xã hội tại các vùng lân cận của địa phương; gây mất an ninh trật tự; hoạt động tín dụng đen gia tăng...
Tuy nhiên, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay tách thửa đất phù hợp với quy định pháp luật là quyền của người sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013, địa phương không thể cấm người dân thực hiện quyền lợi chính đáng của mình. Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả mà vẫn bảo đảm đúng quy định pháp luật, đó mới là vấn đề quan trọng chứ không thể “ngăn không được thì cấm”!
Nguyên nhân gây sốt đất, nhất là đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn thời gian qua đã được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tìm hiểu, trong đó có việc giới đầu nậu lợi dụng “kẻ hở” của Quyết định 28/2020/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu tách thửa đối với từng loại đất để “xẻ thịt” đất nông nghiệp.
Các chiêu trò như “hiến đất làm đường”, tự ý nâng cấp đường… rồi tung thông tin các khu đất trên sẽ gần dự án lớn khiến không ít nạn nhân mắc bẫy, rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì trót nghe lời cò mua đất nông nghiệp nhưng không chuyển mục đích được.
Trước thực trạng trên, ngành Tài nguyên và môi trường tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thị xã, thành phố hạn chế giải quyết tình trạng tách thửa đất nông nghiệp. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi giấy đất nông nghiệp chỉ được các huyện, thị xã, thành phố cho tách một lần 2 thửa theo diện tích quy định theo Quyết định 28, chứ không còn tình trạng một thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn có thể tách nhiều thửa cùng lúc như thời gian trước.
Việc siết chặt hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp khiến các "đầu nậu" rơi vào thế lúng túng, vì không biết trước tỉnh sẽ quy định như thế nào về diện tích tách thửa đất sau khi ban hành Quyết định thay đổi Quyết định 28/2020/QĐ-UBND nên nhiều người tranh thủ nộp hồ sơ xin tách thửa chuyển quyền sử dụng đất, nhất là đối với đất nông nghiệp, dẫn đến lượng hồ sơ liên quan đến đất đai tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Khu đất phân lô, bán nền tại xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng (ảnh minh hoạ).
"ĐẦU NẬU" TRANH THỦ VÀ TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG
Sáng 22/6, có mặt tại Văn phòng đăng ký đất đai- chi nhánh huyện Tân Biên, gần 9 giờ mà số hồ sơ người dân bốc thăm để giao dịch liên quan đến đất đai đã hơn 300 hồ sơ.
Một đôi vợ chồng già bốc thăm số thứ tự hơn 100 nói với người viết: "Bốc thăm số thứ tự hơn 100 mà tôi chưa biết bao giờ đến lượt. Chú lên giờ này có lẽ chờ tới ngày mai, may ra còn kịp". Vợ chồng này cho biết đang đi làm thủ tục tách thửa đất nông nghiệp cho một người mua đất cách đây 2 năm.
Trước đây họ mua đất, trả tiền xong nhưng không chịu sang tên, giờ thì hối thúc đi làm giấy, mà mỗi lần chỉ tách 2 thửa 1.000m2 theo sự hướng dẫn của người mua. Mấy tháng qua, hai vợ chồng đi nhiều lần nhưng chỉ tách được 4 thửa.
Qua trao đổi với cặp vợ chồng trên có thể thấy, giới "đầu nậu" đang rối bời trước các biện pháp mạnh tay của tỉnh trong việc chấn chỉnh tình trạng sốt đất ảo đối với đất nông nghiệp. Trước đây, các “đầu nậu” mua đất xong thì không sang tên, sau đó "vẽ" thành nhiều lô rao bán trên mạng xã hội. Khi có người mua, họ nhờ chủ cũ đi ký tên công chứng, làm thủ tục sang tên để "né” được 1 lần thuế sang tên.
Người viết gặp một thanh niên cũng đang chờ làm thủ tục sang tên đất. Anh cho biết nhà ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên và có hơn 2.000m2 đất nông nghiệp, đã bán hơn 1.000m2 cho một người nơi khác đến.
Nghe sắp tới có quy định mới về việc tách thửa đất nông nghiệp, anh tranh thủ bán để có tiền cất nhà. Người này cũng cho biết có nhiều người ở khu vực này tranh thủ chuyển nhượng đất nông nghiệp , vì lo lắng thời gian tới sẽ không tách thửa đất nông nghiệp được.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng hồ sơ tách thửa, chuyển nhượng đất nông nghiệp tăng cao thời gian qua.
Các địa phương cấp xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về những thông tin dự án ma ( ảnh UBND thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu cấm biển cảnh báo người dân về thông tin quảng cáo dự án ma tại địa phương).
CẨN TRỌNG TRƯỚC KHI MUA ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Ông Trần Quang Khải- Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh cho biết, trước tình trạng “sốt đất ảo” Sở Tài nguyên Môi trường đã chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai thẩm định chặt chẽ các trường hợp người ngoài tỉnh nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa.
Đồng thời phối hợp Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh thông tin cho người dân về các quy hoạch trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp rao bán nhà đất trên mạng xã hội không đúng quy định; về các dự án đủ điều kiện được phép tách thửa chuyển nhượng.
Cảnh báo người dân về những rủi ro khi nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp ở các khu vực không quy hoạch đất ở như: giá nhận chuyển nhượng cao hơn nhiều giá thực tế, giá nhà nước; không được phép xây dựng nhà ở; khi nhà nước thu hồi thực hiện dự án thì giá bồi thường sẽ thấp hơn so với giá mà người dân nhận chuyển nhượng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện các bước để trình UBND tỉnh quyết định thay thế Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhằm khắc phục những bất cập trong văn bản quản lý, trong đó có việc "lách luật" của các doanh nghiệp và đầu nậu bất động sản khi tách thửa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Sốt đất hạ nhiệt, nhà đầu tư bỏ cọc chạy... sắp tới thị trường bất động sản sẽ ra sao?
Nguồn cung bất động sản hiện vẫn hạn chế, giảm đến 50-60% so với 2 năm trước; tình trạng sốt đất, bỏ cọc cũng diễn ra cục bộ ở nhiều nơi… Bất động sản năm 2022 được nhận định khó dự đoán, vậy sắp tới thị trường sẽ ra sao?
Theo Báo Tây Ninh