“Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông không nhằm khiêu khích Trung Quốc”
Trong buổi họp báo tại Hà Nội hôm 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã dành thời gian trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí trong nước và quốc tế về các vấn đề đang được quan tâm như chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam, quan hệ hợp tác Việt Mỹ và vấn đề an ninh ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi và bình luận của phóng viên Báo điện tử Infonet về các cuộc tuần tra của tàu chiến hải quân Mỹ trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Trước đó, các phát ngôn từ Nhà Trắng cho biết, hành động tuần tra này nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.
Tuy nhiên, sau những hoạt động của Mỹ, dường như đó là "cái cớ quá thuận tiện" cho Trung Quốc đẩy mạnh việc quân sự hóa Biển Đông và gây mất ổn định trong khu vực, thách thức xâm phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng hơn.
Phóng viên Infonet đề nghị ông Russel nêu quan điểm của ông và của chính phủ Hoa Kỳ đối với vấn đề này và liệu việc Mỹ thực hiện hoạt động đó đã làm cho các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trở nên khó khăn hơn trong việc bảo vệ tuyên bố của mình hay không.
Ông Daniel Russel tiếp tục khẳng định quan điểm của chính quyền Tổng thống Obama, theo đó, ông cho biết, việc Hải quân Hoa Kỳ thực hiện các chuyến tuần tra thể hiện quyền tự do hàng hải, tuân theo luật pháp quốc tế.
“Điều đó không dành riêng cho Hoa Kỳ mà cả các quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc. Đó là chính sách chúng tôi đã thực hiện trong suốt hàng thập kỷ qua. Việc thực hiện các chuyến tuần tra như vậy cũng nhằm thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với một hệ thống quốc tế cởi mở”, ông Daniel Russel bình luận.
Cũng theo ông, nếu như Hải quân của một nước hùng mạnh nhất thế giới mà không thể thực hiện được các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế thì hải quân của các nước nhỏ hơn khó có thể thực hiện được quyền như vậy.
“Nếu như các tàu hải quân không thực hiện được quyền chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế thì làm sao các tàu thuyền của ngư dân hay tàu chở hàng có thể thực hiện những quyền đó mà không bị những lực lượng hùng mạnh khác ngăn cản”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Không trả lời trực tiếp về việc liệu hoạt động tuần tra có gây khó khăn cho các nước nhỏ trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, ông Daniel Russel nhấn mạnh ý nghĩa của việc Mỹ hiện diện trong khu vực. Ông khẳng định, Mỹ không tuyên bố chủ quyền hay mong muốn có bất cứ hòn đảo nào hay vùng biển nào tại Biển Đông mà có mặt tại đây để duy trì các quyền tự do theo đúng luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi không muốn chiếm đoạt bất cứ cái gì từ ai. Chúng tôi chỉ cố gắng làm hai việc: Giữ cho vùng biển này mở rộng, tự do với tất cả mọi người và nhằm đảm bảo các quyền theo luật pháp quốc tế không bị xói mòn. Những chuyến tuần tra (của Hải quân Mỹ) không phải là các hành động khiêu khích mà là những hoạt động nhằm thể hiện quyền của người dân quốc tế”, ông Russel cho biết.
Gần đây nhất, vào tháng 4/2016, Mỹ đã cho một nhóm tàu chiến Mỹ bao gồm tàu sân bay, tàu khu trục và tàu tuần dương đã tới Biển Đông. Thành phần nhóm chiến thuật này bao gồm tàu sân bay John C. Stennis, hai tàu khu trục, hai tàu tuần dương và kỳ hạm thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ.
Trước đó, có thông tin cho rằng Trung Quốc đã điều các máy bay chiến đấu đến khu vực bãi Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước các động thái liên tục gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc, Mỹ tuyên bố đang cố gắng để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.